Các container hàng hóa tại một cảng ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo đó, mức tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu đối với hàng hóa phần lớn nhờ vào kết quả của việc nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19, cũng như các gói kích thích kinh tế và giá nguyên liệu thô tăng mạnh.
Trong khi thương mại trên toàn thế giới giữ mức ổn định trong nửa cuối năm 2021, thương mại hàng hóa đã đạt mức kỷ lục trong khoảng thời gian từ tháng 7-9. Cùng chung xu hướng tăng này, thương mại trong lĩnh vực dịch vụ cũng mở rộng, dù vẫn ở mức thấp hơn so với mức từng được ghi nhận hồi năm 2019.
Bên cạnh đó, trong quý III của năm nay, các dòng chảy thương mại đối với các quốc gia đang phát triển tiếp tục tăng mạnh hơn so với các nền kinh tế phát triển.
Đáng chú ý, Bản cập nhật Thương mại Toàn cầu của UNCTAD ước tính, giá trị thương mại hàng hóa toàn cầu đạt 5,6 nghìn tỷ USD trong quý III năm nay, đây là mức kỷ lục mới mọi thời đại. Trong khi đó, giá trị thương mại dịch vụ được ước tính ở mức khoảng 1,5 nghìn tỷ USD.
Trong thời gian còn lại của năm 2021, UNCTAD dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa sẽ chậm hơn; trong khi tăng trưởng thương mại dịch vụ sẽ chứng kiến xu hướng tích cực hơn.
Dù vậy, theo các nhà kinh tế của Liên Hiệp Quốc, triển vọng tăng trưởng thương mại toàn cầu cho năm 2022 vẫn “rất không chắc chắn”. Trong số các yếu tố góp phần vào sự không chắc chắn này, UNCTAD chỉ ra mức tăng trưởng “dưới kỳ vọng” của nền kinh tế Trung Quốc trong quý III năm 2021; đồng thời cho rằng, áp lực lạm phát cũng có thể tác động tiêu cực đến các nền kinh tế quốc gia, và các dòng chảy thương mại quốc tế.
Tiếp đó, triển vọng thương mại toàn cầu do UNCTAD dự báo cũng lưu ý rằng, nhiều nền kinh tế, bao gồm cả các nền kinh tế thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng gián đoạn liên quan đến đại dịch COVID-19, điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng trong năm 2022.
Ngoài ra, giá nhiên liệu cao cũng sẽ kéo theo chi phí vận chuyển tăng, góp phần vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Điều này dẫn đến tình trạng tồn đọng trên các chuỗi cung ứng chính, và có thể tiếp tục diễn ra trong năm tới, thậm chí có thể “định hình lại dòng chảy thương mại trên toàn thế giới”, UNCTAD lên tiếng cảnh báo.
THANH NGÂN
(Lược dịch từ UN News & Reuters)