Trại sáng tác Văn học nghệ thuật (VHNT) tại Bình Tiến năm 2021 với mục đích “tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế để tìm hiểu, sáng tác về chủ đề văn hóa và đời sống của bà con Nhân dân trên địa bàn xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Trong mắt tôi, choáng ngợp trước không gian tươi mới những cây xanh bóng mát trên con đường nhựa trải dài, đưa đoàn xe lăn bánh vào điểm hẹn một sớm mai đầy nắng ấm. Dựng xe bên chợ, cán bộ xã đã xuất hiện vồn vã chào đoàn văn nghệ sĩ, mời mọi người vào quán nhâm nhi cà phê. Ấn tượng thật đơn sơ nhưng thắm tình đoàn kết, thân ái, tiếng nói, tiếng cười xôn xao một góc trời quê.
Những cán bộ xã nòng cốt trẻ trung, năng động, cùng đoàn vào hội trường xã để khai mạc trại sáng tác VHNT. Hội trường nằm trên đồi thoai thoải, gần trụ sở ủy ban xã, có lẽ mới xây nên màu vôi tường còn sáng và những bậc cấp đi từ phía sau chưa hoàn chỉnh, đá dăm vụn rơi vãi ngổn ngang.
Những cuộc đi thực tế các nơi, như bia tưởng niệm, suối Máu, khe Nghệ, đập thủy điện, thôn bản, thăm cán bộ tiền khởi nghĩa xã... Với sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ xã, ai nấy đều hân hoan khi đến những danh lam thắng cảnh, di tích, văn hóa - lịch sử, tiêu biểu trên địa bàn xã Bình Tiến. Tất cả hòa quyện vào vùng đất Bình Tiến phát triển trong thời kỳ mới.
“Bia tưởng niệm” - điểm dừng chân đầu tiên của đoàn. Tấm bia chỉ ghi vài dòng thôi sao đầy tâm cảm. Năm 1972, các anh đã ngã xuống nơi này. Tưởng tượng, ngày ấy trận đánh vô cùng ác liệt của đơn vị tiền phương vương đầy xương máu bên cánh đồi sim không một dấu chân người.
“Suối Máu”giờ trở nên thơ mộng với nguồn nước lớn trong xanh thi nhau đổ xuống, cuồn cuộn trôi không dứt. Mang danh suối, song lại có những vũng chứa lưu lượng rất rộng và khá sâu, nhảy xuống từ độ cao 5 mét không chạm đáy vực. Khung cảnh hoang sơ, thơ mộng chưa kinh doanh du lịch, vẫn chưa có nhiều dấu chân người tìm đến vui chơi, khám phá.
Về đây, quên hẳn một con suối từng ghi dấu trận mạc, máu chảy, xương rơi, như khe Nghệ lớn, không một bia chứng tích ghi lại trận đánh, đã đi vào huyền thoại bao giờ. Thăm người dân bản tiêu biểu của xã Bình Tiến. Đến nhà bác Đài vào sớm mai tạnh ráo đã thấy bác cùng những người cùng thời ngồi chờ đoàn trước thềm lúc nào. Một ấm trà thơm bốc khói mời khách để bên chiếc tẩu. Trước sân, chiếc xe hơi màu trắng bóng nhoáng của con bác, vợ bác mặc váy thổ cẩm lấp ló bên song cửa.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tiến giới thiệu sơ về bác Đài, kế tiếp Chủ tịch các hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế giới thiệu với các bô lão kỳ cựu của xã, những người trong đoàn muốn tìm hiểu về những trận đánh mà bác Đài tham gia trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc và tôi chăm chú, vừa lắng nghe vừa tốc ký những trận đánh bằng vũ khí thô sơ nhất, như cung, nỏ, bẫy, dù chỉ tham gia đánh dăm ba người. Thời đó, không bắn vào chỗ hiểm, chỉ làm bị thương phần nào, theo mệnh lệnh truyền khẩu. Bác từng là chú du kích dẫn đường cho bộ đội chính quy, anh em đi trinh sát...
Xã Hồng Tiến, nơi toàn người dân tộc, không cho bắt lính, không có ai đi lính, bầu cử thời Ngô Đình Diệm, đấu tranh phải cho tổ chức tục lệ đâm trâu, dân mới chịu đi bỏ phiếu. Bác kể rành mạch, lỡ quên thì bác hỏi những người bạn vong niên một vài chi tiết rồi tiếp tục trưa mới dừng. Bác Đài, dẫu đã hơn 90 tuổi vẫn còn minh mẫn, là nhân vật có tuổi đời cao nhất còn lại của Bình Tiến - một nhân vật lịch sử, đại diện cho toàn dân bản nói chung và Bình Tiến nói riêng, những ký ức một miền quê hài hòa giữa con người và thiên nhiên trong quá trình đổi mới, xây dựng quê huơng.
Ngàn Thương