Anh Lê Duy Bảo bên các sản phẩm làm từ đá cuội

Khoảng sân nhỏ nơi căn nhà ở Chầm của Lê Duy Bảo (SN 1979, ngụ phường Hương Hồ, TP. Huế) lúc nào cũng ngổn ngang đá cuội. Những viên đá cuội đủ kích cỡ, màu sắc, nằm im dưới mưa nắng, chờ bàn tay khéo léo của người thợ chế tác, tạo hình. Ở một góc khác bên trong ngôi nhà, những sản phẩm từ đá cuội đã được hoàn thành như đèn cuội, đèn cuội hình cầu trang trí sân vườn, lọ hoa, chân nến… đang chờ người đóng hàng để gửi khách phương xa.

Năm 2016, biến cố gia đình khiến Bảo quyết định lên sống biệt lập ở vùng núi Hướng Hóa, Quảng Bình, để tìm lại sự thăng bằng. Những ngày sống trên núi, mắc võng nằm bên khe suối, nghe âm thanh của rừng vọng lại trong tiếng chim ca, tiếng gió rừng vi vu thổi và cả tiếng suối róc rách, Bảo lại thấy thanh thản lạ kỳ. Những ngày dài ngắm nhìn nắng xiên qua cây lá, trải dài trên những thảm đá cuội đủ hình thù, đủ sắc màu tự nhiên nơi khe suối, anh nhận ra đá cuội nhìn như vô tri mà lại có sức sống diệu kỳ.

Từ đống đá cuội nằm ngổn ngang với đủ hình thù màu sắc, Bảo phải gạn lọc, chọn lựa từng khối đá phù hợp cho việc tạo hình sản phẩm. Viên cuội này có dáng hình phù hợp để chế tác lọ hoa, màu sắc bắt mắt với những hoa văn độc lạ sẽ gia tăng tính thẩm mỹ của sản phẩm. Khối đá cuội hình dẹt phía bên kia phù hợp để làm chân nến. Những viên đá cuội to hơn nắm tay có những đường vân đẹp thích hợp để kết đèn. Những viên đá cuội nhỏ thích hợp gắn trên các chậu cây cảnh. “Mỗi một viên đá cuội, đều mang tiếng nói riêng. Việc của mình là lắng nghe và cảm nhận chúng để đặt chúng đúng vào vị trí cần thiết”, Bảo nói.

Xưởng đá cuội của Bảo hiện tại đang tạo công ăn việc làm cho gần chục lao động tại địa phương. Mong muốn của anh là ngày càng có nhiều người biết đến những sản phẩm từ đá cuội có tính ứng dụng cao trong gia đình. Chính mong muốn lan tỏa và tạo nên xu hướng mới, nên hầu như các sản phẩm từ cuội của Bảo có giá thành tương đối mềm so với thị trường.

Niềm vui của một người đam mê đá cuội và cũng sống nhờ đá cuội, là khi thấy những hiệu ứng bắt đầu lan tỏa, những đơn hàng bắt đầu đổ về. Người lao động trong xưởng cũng có việc để làm, tăng thu nhập. Niềm vui của Bảo, đôi khi đơn giản chỉ có thế.

Vừa quét dầu trên chiếc chậu đá được khách tận Phú Thọ đặt hàng để trồng hoa hồng cổ, Bảo vừa giải thích, chậu đá sau khi hoàn thành, sẽ được phủ lên một lớp dầu bên ngoài để giữ được màu sắc nguyên bản của cuội cũng như tránh việc rêu mốc và gia tăng độ bền. Để hoàn thành chiếc chậu gắn đá cuội, cần xi măng để kết dính, thêm lớp xi măng phủ bên trong. Đèn hình cầu trang trí sân vườn lại cần keo để kết dính các viên cuội. Đèn cuội trang trí trong nhà hay đế nến lại cần khoan lỗ.

Bảo cho biết, các sản phẩm đá cuội từ xưởng của anh, thường đi cùng bộ set trang trí trong các công trình nhà vườn hiện đại nhằm tạo nên nguồn năng lượng tự nhiên cho không gian sống. Nhất là trào lưu sống xanh, sống hòa nhập với thiên nhiên cũng khiến nhiều người tìm đến các sản phẩm từ đá cuội để thay thế các vật dụng trong gia đình. Những nơi tu tập, thiền định hay các công trình có yếu tố thiên nhiên làm chủ đạo đa phần đều sẽ lựa chọn các sản phẩm từ đá cuội để hoàn thiện vẻ đẹp nguyên sơ của không gian. Điều đó đã khiến đá cuội ngày càng có vị thế...

Bài, ảnh: Lê Hà