Theo thông tin từ Liên minh hợp tác xã (HTX) Thừa Thiên Huế, hiện nay hệ thống HTX đang thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực bằng một số chế độ. Những người dưới 35 tuổi, có trình độ đại học, cao đẳng với chuyên ngành phù hợp, khi làm việc cho HTX sẽ được hưởng mức lượng tối thiểu vùng nhân với 50%, được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội. Một điều kiện khác là phải cam kết làm việc ít nhất 6 năm và chính sách hỗ trợ tiền lương nói trên chỉ thực hiện 36 tháng.
Theo quy định mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp hiện nay, Thừa Thiên Huế thuộc vùng III, ứng với mức lương tối thiểu 3.430.000đ/tháng. Như vậy, những người làm việc cho HTX theo diện như trên, trong 36 tháng kể từ khi làm có mức lương là khoảng hơn 5,1 triệu đồng. Điều này có thể hiểu, sau thời gian 36 tháng, khi không còn chế độ nói trên nữa, tất nhiên sẽ quay về mức lương tối thiểu vùng.
Thông tin từ Liên minh HTX tỉnh cũng cho biết, mức lương tối thiểu vùng là HTX phải trả. Nhà nước chỉ hỗ trợ phần 50% nhân thêm và đóng bảo hiểm xã hội. Rõ ràng, đây là chính sách nhằm khuyến khích để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng hơn cho bộ máy lãnh đạo HTX.
Công bằng mà nói, mức lương thu nhập chừng 5 triệu đồng/tháng không phải là cao so với nhu cầu tối thiểu của cuộc sống hiện nay. Nhưng xét trong bối cảnh chung thì đây cũng không phải là con số thấp. Ví dụ một người muốn làm việc trong một cơ quan hành chính, sự nghiệp (công chức hoặc viên chức) mới ra trường, mức lương được hưởng còn thấp hơn. Thu nhập trung bình của người dân trong tỉnh lại càng thấp hơn nữa, chưa bằng trung bình của cả nước, ở vào khoảng chưa được 2.000 USD/năm, tức là dưới mức 5 triệu đồng so với chế độ ưu đãi của những người làm trong HTX nói trên.
Vấn đề muốn đề cập ở đây là liệu chính sách này có đưa lại tác dụng tốt? Theo người viết, chưa hẳn điều này đã đem lại tác dụng tích cực, vì mấy lẽ. HTX là một tổ chức kinh tế. “Cổ đông” là xã viên. Đã là tổ chức kinh tế thì phải hoạt động theo quy luật kinh tế. Lương thưởng phải trả theo hiệu quả kinh tế làm ra. Câu chuyện bộ máy nhà nước và chi tiêu thường xuyên của Nhà nước lâu nay đã đề cập nhiều, nào là bộ máy còn cồng kềnh, chế độ chính sách tiền lương còn nhiều bất cập. Ngân sách thu được chiếm một tỷ lệ cao là chi cho khoản chi tiêu thường xuyên... giờ lại chi thêm cho nhân lực của HTX sẽ làm cho “bầu sữa” ngân sách phình to ra. Nhưng hiệu quả của việc chi này chưa biết là như thế nào. Không có điều gì đảm bảo chắc chắn khi có một hai người (chẳng hạn) có trình độ từ cao đẳng trở lên sẽ làm cho hoạt động kinh tế của HTX hiệu quả hơn.
Nhưng thực tế cho thấy, ở lĩnh vực nào Nhà nước bao cấp thì lĩnh vực đó bị triệt tiêu một phần động lực. Chúng ta nhìn vào khu vực kinh tế vốn nhà nước thì sẽ thấy điều này.
Thứ đến, liệu chính sách này có ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh? HTX cũng là nơi cung cấp dịch vụ hoặc sản xuất như các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh tế, tại sao khu vực này được hỗ trợ, khu vực kia thì lại không? Bằng cấp là một việc, năng lực thực hành lại là một việc khác chứ không thể đánh đồng hai điều này là một. Nhà nước tác động vào chính sách tiền lương ở mức hạn chế như nêu trên chưa chắc đã thu hút được “người tài”. Thông thường những người giỏi, có năng lực thực hành tốt, nhạy bén trong làm ăn kinh tế… Họ ít khi chấp nhận một môi trường làm việc mà cơ hội thăng tiến thấp, thu nhập không cao… Cho nên có khi chính sách này đã làm tiêu tốn tiền nhà nước nhưng chỉ thu hút được những người, dù có bằng cấp nhưng năng lực thực hành “thường thường bậc trung”!
Thực ra, chuyện lương bổng cho cán bộ, hơn ai hết HTX biết họ cần những người như thế nào, trả lương ra sao. Chính sách tiền lương cũng là một biện pháp để thu hút nhân tài nhưng với điều kiện là chính họ làm ra mới phát triển bền vững. Nói cách khác, họ chỉ xứng đáng được hưởng những gì mà từ hiệu quả kinh tế họ làm ra nó mới bền vững.
Lê Nguyễn