Biến chủng Omicron đang gây lo ngại cho toàn thế giới. Ảnh: VNMedia

“Trong số hơn 300 ca nhiễm hiện đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia, tất cả đều rất nhẹ hoặc không có triệu chứng gì”, Giáo sư Kelly nói. Tại Australia, 7 trường hợp nhiễm biến thể Omicron đã được báo cáo, trong đó có 6 người ở New South Wales, bang đông dân nhất của đất nước.

Giáo sư Kelly cho biết, nhiều trong số hàng trăm ca nhiễm biến thể Omicron xuất hiện trên khắp thế giới là ở những người đã được tiêm chủng. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy các loại vaccine COVID-19 hiện nay không hiệu quả trong việc chống lại biến thể mới nhất này.

“Nhiều trường hợp được chẩn đoán ở nhiều nước trên thế giới, từ những du khách phần lớn đến từ miền nam châu Phi, đều đã tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19. Nhưng, một lần nữa, họ không mắc bệnh nặng. Vì vậy, chúng ta cần phải chờ đợi, theo dõi và thu thập thêm thông tin”, ông nói.

Mặc dù vậy, các cơ quan y tế khuyến cáo nên thận trọng cho đến khi biết rõ hơn về khả năng lây nhiễm và độc lực của Omicron.

Hiện Australia đã trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại và một số quốc gia khác cũng đã thắt chặt các quy định đối với khách du lịch để giúp ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới.

Có thể “thống trị và áp đảo” thế giới 

Trong những thông tin cập nhật nhất về Omicron, một tiến sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Singapore cảnh báo rằng biến thể mới này có thể sẽ “áp đảo toàn thế giới” trong những tháng tới.

Theo Tiến sĩ Leong Hoe Nam thuộc Bệnh viện Mount Elizabeth Novena, mặc dù vaccine chống lại chủng virus này có thể được phát triển nhanh chóng, nhưng chúng cần được thử nghiệm trong vòng từ 3-6 tháng để chứng minh có thể cung cấp khả năng miễn dịch chống lại biến thể. “Nhưng thành thật mà nói, Omicron sẽ thống trị và áp đảo toàn thế giới trong vòng 3 đến 6 tháng nữa,” ông nói với kênh CNBC.

Dẫn chứng với biến thể Delta, chủng virus hiện chiếm 99% số ca nhiễm COVID-19, Reuters cho biết chủng này đã bắt đầu lan rộng ở bang Maharashtra, Ấn Độ vào tháng 3/2021 và chiếm ưu thế trên toàn cầu vào tháng 7.

Hồi đầu tuần, CEO của hãng dược Moderna, Stephane Bancel, cho biết sẽ mất nhiều tháng để phát triển và xuất xưởng một loại vaccine nhắm mục tiêu cụ thể vào biến thể Omicron.

Giám đốc điều hành củaPfizer Albert Bourla cũng nói rằng các lô vaccine cho Omicron có thể sẵn sàng trong vòng chưa đầy 100 ngày nữa.

Dù chưa thể khẳng định chính xác mức độ hiệu quả của các loại vaccine hiện có trong việc ngăn chặn biến thể Omicron nhưng Tiến sĩ Leong đồng ý rằng việc tiêm 3 liều vaccine COVID-19, bao gồm cả mũi tăng cường, có khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là nhiều quốc gia hiện vẫn có tỷ lệ tiêm chủng ở mức thấp.

Ông cũng cảnh báo rằng Omicron đang “đe dọa toàn thế giới” với số ca bệnh tăng đột biến và hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể bị quá tải, ngay cả khi chỉ 1% hoặc 2% số ca nhiễm phải nhập viện.

Omicron lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi và được WHO chỉ định là một biến thể cần quan tâm vào tuần trước. Biến thể này hiện đã lan đến một số nước từ châu Âu cho đến châu Á, bao gồm Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Tuy nhiên, hiện tại, Tiến sĩ Leong cho rằng nên tiếp tục triển khai tiêm chủng, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và không quá lo lắng.

BẢO NGHI (Lược dịch từ CBNC & Straitstimes)