Nền nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn sản xuất theo lối truyền thống. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Nếu tính về con số thì chúng ta thấy thu nhập của người dân có tăng thật, trung bình mỗi năm tăng được 1 triệu đồng, tức là mỗi tháng hơn 80 ngàn đồng. Thế nhưng, nếu tính về sức mua của đồng tiền, thì không phải là số tăng trung bình mỗi tháng như vậy, mà còn thấp hơn.

Lý do, đây chỉ thuần là về mặt ước tính con số chứ chưa tính những yếu tố liên quan khác, ví dụ như con số này là tính tổng thu của người dân hay là đã tính chi phí (nếu là sản xuất); hoặc là đã trừ yếu tố trượt giá hay không? Nếu như con số nêu trên là chưa tính chi phí, chẳng hạn như làm một ha ruộng lúa, tổng thu được 6 tấn lúa. Giá bán mỗi kg là 6.000 đồng. Như vậy tổng thu 1 ha là 6 triệu đồng. Đây là doanh thu trên một ha lúa. Còn lãi ròng của người dân là phải tính trừ đi các chi phí: từ làm đất, giống, phân bán, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi, công gặt… Đấy là chưa tính công chăm sóc của người nông dân. Nếu tính đúng tính đủ, có khi, cái mà người nông dân thu được chỉ là “lấy công làm lãi”. Đó là chưa tính yếu tố trượt giá của đồng tiền, tức là đồng tiền mất giá, sức mua kém đi.

Những năm gần đây, Quốc hội đưa ra chỉ tiêu, mức trượt giá kỳ vọng là không quá 4%. Thực tế trong những năm qua, dưới sự điều hành của Chính phủ, mức trượt giá tương đối thấp, chưa bao giờ vượt qua con số 4%. Đây cũng là một điều kiện để ổn định đời sống của người dân. Nếu giả sử mức tăng giá (CPI) là 4% thì sức mua của 35 triệu đồng thực chất chỉ còn 33,6 triệu đồng. Cùng với mức trượt giá như trên cho 40 triệu đồng thì sức mua của đồng tiền đã mất 1,6 triệu đồng, tức chỉ còn 38,4 triệu đồng. Mỗi năm, giá trị thực mà người dân thu được chỉ tăng khoảng hơn 600 ngàn đồng.

Đến đây chúng ta sẽ thấy, đời sống của người dân chưa được cải thiện là mấy. Bởi đời sống của người dân có tăng hay không là ở yếu tố thu được lãi ròng trong sản xuất. Người nông dân không thể chi tiêu vào vốn của mình, mà còn phải dành vốn để tái sản xuất. Nếu như những người thuần làm nông, có khi người nông dân chỉ thu nhập chừng bằng một nửa hoặc ít hơn con số nêu trên rất nhiều.

Nền nông nghiệp của chúng ta chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún. Cách sản xuất chủ yếu theo lối truyền thống chứa đựng nhiều rủi ro. Hàm lượng khoa học công nghệ và công nghệ cao chưa nhiều. Thêm vào đó là thị trường tiêu thụ hạn hẹp nên giá cả hết sức bấp bênh… lại chứa đựng nhiều rủi ro hơn. Điều này chúng ta không khó để nhìn thấy. Một sản phẩm cây trồng, vật nuôi nào đó khi mới phát triển ở số lượng ít thì tính ra đưa lại giá trị kinh tế cao. Nhưng khi phát triển nhiều lên thì lại mất giá. Có nhiều yếu tố tác động đến giá, chẳng hạn như dịch bệnh làm cho việc lưu thông hàng hóa và thị trường co hẹp lại, nhưng sự tác động quan trọng nhất cần nhìn nhận là yếu tố cung – cầu. Cho nên lâu lâu chúng ta lại thấy kêu gọi giải cứu nông sản, cây ăn trái, gia cầm...

Xây dựng nông thôn mới là xây dựng đồng thời nhiều yếu tố từ kinh tế đến văn hóa; từ hạ tầng đến cải thiện điều kiện sản xuất… Mục đích cuối cùng là để nâng cao đời sống của người nông dân và những người sống ở khu vực nông thôn. Điều chúng ta dễ nhận thấy nhất là bộ mặt nông thôn được đầu tư và cải thiện rất nhiều, rất nhanh. Nhưng đời sống của người nông dân thì không được cải thiện là bao nhiêu, như con số phân tích nêu trên. Chính vì thế, khi xây dựng chương trình nông thôn mới nâng cao, trong đó có tiêu chí quan trọng là nâng cao thu nhập cho người dân, nhiều địa phương nhìn nhận là khó.

Khó thì cũng phải làm, nếu đời sống của người nông dân không được cải thiện hoặc cải thiện chậm thì có xây dựng “mấy nông thôn mới” đi nữa vẫn kém đi ý nghĩa. Mấy mươi năm chúng ta tính toán cho cây lúa, cây rau, con cá, con tôm… nhưng thực sự những đối tượng này làm chuyển biến đời sống của người nông dân là không nhiều. Bây giờ phải tính toán tác động theo cách khác. Có lẽ hướng đi khả dĩ nhất là phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở vùng nông thôn. Phát triển nông nghiệp đồng thời gắn với phát triển dịch vụ, ngành nghề.

NGUYỄN LÊ AN