Hồ Thanh Minh (thứ 2, phải qua) có khoảng thời gian quý báu tại tuyển quốc gia. Ảnh: VFF

Điểm mặt đối trọng

Tối 29/11, HLV Park Hang - seo công bố 5 cái tên không được sang Singapore dự AFF Cup 2020, trong đó có “người hùng” Hồ Thanh Minh – tác giả bàn thắng “vàng” vào lưới Myanmar, giúp U23 Việt Nam tiến vào vòng chung kết (VCK) U23 châu Á. Với người hâm mộ Cố đô, việc tiền đạo đang khoác áo CLB Bóng đá Huế bị loại là điều rất đáng tiếc, nhưng điều này lại không mấy bất ngờ, bởi dù tỏa sáng tại sân chơi U23 châu Á, nhưng ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Thanh Minh so ra vẫn còn non kinh nghiệm.

Ở khía cạnh khác, việc có thời gian ngắn tập luyện cùng các đồng đội ở tuyển quốc gia chính là hành trang quý báu để Hồ Thanh Minh cùng U21 Thừa Thiên Huế tỏa sáng tại giải U21 quốc gia, đồng thời, là cơ sở để tiền đạo quê A Lưới nỗ lực hơn nữa bởi phía trước của chàng trai sinh năm 2000 này đang còn rất dài cùng nhiều cơ hội ở các đấu trường đẳng cấp.

Trở lại với đấu trường AFF Cup 2020, Việt Nam hẳn nhiên vẫn là ứng viên số 1 cho chức vô địch ở sân chơi này. Tại vòng loại, tuyển Việt Nam chung bảng B với Lào, Campuchia, Malaysia và Indonesia. Theo đánh giá, dù các đối thủ này đều có những tiến bộ nhất định, nhưng khách quan mà nói, đây đều là những đối thủ “dưới cơ” và “vừa miếng” với tuyển Việt Nam - kể cả thời điểm chưa được dẫn dắt bởi HLV Park Hang - seo. Còn về tổng quan cũng như ở VCK, theo nhận định, một số đối thủ đủ lực để cản đường tuyển Việt Nam có thể kể đến là Malaysia, Thái Lan và chủ nhà Singapore.

Để chuẩn bị cho cuộc soán ngôi vua của tuyển Việt Nam, HLV Tan Cheng Hoe của Malaysia chỉ triệu tập 2 cầu thủ nhập tịch Mohamadou Sumareh (Gambia) và Guiherme De Paula (Brazil) thay vì 7 như ở vòng loại World Cup 2022. Hai nhân tố này sẽ kết hợp một số cầu thủ gốc Malaysia đang thi đấu ở nước ngoài, như Dion Cools (Đan Mạch), Luqman Hakim (Bỉ), Quentin Cheng (Australia)... cùng lực lượng trong nước xuất sắc nhất nhằm tạo bất ngờ và tính đột biến trong lối chơi, nhất là khi đối mặt với Việt Nam.

Tuyển Việt Nam tự tin trong hành trình bảo vệ ngôi vương tại AFF Cup 2020. Ảnh: Laodong.vn

Với chính sách nhập tịch, chủ nhà Singapore từng một thời độc bá AFF Cup. Và dù đã nhiều năm gần đây sử dụng chủ yếu cầu thủ nội, nhưng Singapore vẫn kỳ vọng đánh dấu sự trở lại của mình bằng vào những nhân tố hiện được đánh giá khá cao, như: anh em Irfan Fandi - Ikhsan Fandi (con của huyền thoại bóng đá Fandi Admad), Hariss Harun (1 trong 11 cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử AFF cup) hay Song Ui Young - cầu thủ nhập tịch duy nhất trong đội hình. Ngoài ra, thế mạnh của Singapore còn là sân nhà. Đó chính là một trong những yếu tố quan trọng để xếp đội bóng này trong nhóm có thể cản bước tuyển Việt Nam.

Sau khi lên nắm quyền, HLV Alexander Polking đã giúp tuyển Thái Lan có một bộ khung vững chắc khi triệu tập những hảo thủ đang thi đấu cho các CLB nước ngoài như: Kawin (OH Leuven, Bỉ), Teerathon Bunmathan (Yokohama F.Marinos, Nhật Bản), Chanathip (Consadole Sapporo, Nhật Bản), Thannawat (Leicester City, Anh), Jonathan Khemdee (Odensse, Đan Mạch)… sát cánh cùng những cái tên quốc nội đáng gờm như Dangda, Sarach Yooyen, Suphanat, Supachok... Và đây mới chính là đối trọng thật sự của tuyển Việt Nam trong hành trình bảo vệ ngôi vương tại AFF Cup kỳ này.

Tin vào các chàng trai áo đỏ

Dù phải nhận 7 trận thua liên tiếp tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, nhưng tuyển Việt Nam là đại diện duy nhất của Đông Nam Á lọt vào vòng đấu này. Và với những gì đã thể hiện, người hâm mộ Việt Nam có quyền tin vào những chiến thắng tưng bừng của các chàng trai áo đỏ trong hành trình bảo vệ ngôi vương ở sân chơi AFF Cup.

Lý do để đặt niềm tin là họ thể hiện được sự tiến bộ qua từng trận đấu trước các đối thủ vượt trội về mọi mặt tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Trong đó, nổi bật nhất là tính gắn kết, tốc độ, sự tự tin, chủ động cầm bóng và triển khai tấn công trước các đối thủ mạnh.

Dưới tài thao lược của HLV Park Hang - seo, người Thái đã không còn là đối thủ “kỵ rơ” của tuyển Việt Nam. Và dù sở hữu dàn cầu thủ cực kỳ chất lượng, nhưng tuyển Thái Lan chỉ có 3 – 4 ngày tập luyện cùng nhau, khiến sức mạnh toàn đội dựa trên sợi dây liên kết giữa các tuyến giảm đi đáng kể.

Về phía Malaysia, dù không ngần ngại bày tỏ tham vọng đánh bại Việt Nam và Thái Lan để thiết lập nên ông vua mới ở khu vực, nhưng nhiều năm qua và đến hiện tại, Malaysia vẫn chưa đủ đẳng cấp để hiện thực hóa điều này. Minh chứng là họ đã bị đoàn quân của HLV Park Hang - seo hạ gục ở chung kết AFF Cup 2018 với tỷ số 3-2 sau 2 lượt trận và thất bại với tổng tỷ số 1-3 tại bảng G vòng loại World Cup 2022, cũng ở 2 lượt đi và về.

Còn với Singapore, dù đội bóng Quốc đảo sư tử có dàn cầu thủ vượt trội về thể hình, nhưng với trận thua nát mặt trước 1-7 trước Morocco ở chuyến tập huấn chuẩn bị cho AFF Cup hay trước đó, là 12 bàn thua trắng trước Palestine, Saudi Arabia và Uzbekistan ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 đã cho thấy, họ vẫn là những chú sư tử chưa đủ nanh vuốt để có thể chặn đứng cơn lốc màu đỏ, dù trên sân nhà.

HÀN ĐĂNG