Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII (Ảnh minh họa). Ảnh: vov.vn

Luận điệu được đưa ra là: Những điều trong Quy định đã có trong luật việc gì phải “đặt ra một quy định riêng cho đảng viên”, “phải chăng Đảng đứng ngoài pháp luật”. Đảng viên là công dân chỉ cần chấp hành pháp luật, thêm một quy định là “rườm rà”, “chồng lấn”, “vi hiến”. Chúng cho rằng, Đảng đã bị “rệu rã, sai lầm đường lối, mất phương hướng” nên “phải ban hành thêm lệnh cấm” để cứu nguy “sự tan rã của chế độ”.

Hồ đồ hơn chúng còn cho đó là “lên gân, hù dọa nhau trong nội bộ chứ chẳng giải quyết được gì”, chỉ hạn chế quyền của đảng viên với tư cách là công dân. Rồi có ý mỉa mai, kích động: “Chỉ có mấy ông đảng viên phải chấp hành, còn dân thì ngược lại”, “công dân vẫn được làm” vì quy định “không cấm Nhân dân”. Bên cạnh đó, còn mỉa mai cho là: “Không có đảng nào trên thế giới làm như kiểu Việt Nam”.

Chúng ta cần xem lại những luận điệu đó nhìn từ góc độ nào? Có thực tâm hay không?

Trong Di chúc để lại trước lúc đi xa hơn 50 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. Cho đến nay, Đảng ta đang lãnh đạo đất nước phát triển đi lên, xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh, nâng cao uy tín trên trường quốc tế. Những thành tựu vượt bậc trong những năm gần đây thể hiện rõ bản lĩnh, năng lực lãnh đạo đất nước và xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Đáng tiếc, trong khi hàng triệu cán bộ, đảng viên đang thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chính sách, Điều lệ, quy định của Đảng, phấn đầu thành người đảng viên chân chính thì vẫn còn “một bộ phận không nhỏ” biến chất đi ngược lại xu thế đó.

Đảng ta đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái trong một bộ phận đảng viên, cần phải được chấn chỉnh, nâng cao hơn nữa tính kỷ luật trong Đảng”. Trong những nhiệm kỳ qua, nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức được đặt ngang tầm với những nhiệm vụ lớn của Đảng. Những quy định gần đây, nhất là điều chỉnh, bổ sung trong Quy định 37 là thể hiện ý chí xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đòi hỏi và kỳ vọng của Nhân dân. Quy định 37 là kế thừa, phát triển cao hơn, khắc phục một số kẽ hở, bổ sung so với quy định trước đây (Quy định 47, nhiệm kỳ 10) là hoàn toàn khách quan, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi.

Bất cứ một đảng phái nào trên thế giới đều phải có chính cương, điều lệ, quy chế để hoạt động và phát triển. Đảng Cộng sản Việt Nam không phải ngoại lệ và cần tuân theo quy luật đó. Những nghị quyết, quy định của Đảng, nhất là những quy định ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm người đảng viên là nhằm xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Quy định mới của Bộ Chính trị là một trong yêu cầu cấp thiết của cơ chế đó và là văn bản có tính ràng buộc cao nhằm ngăn chặn sai phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên trước tình hình diễn biến còn nhiều phức tạp. Những nội dung quy định có thể chưa bao quát hết sai phạm, tồn tại nhưng cũng không thể gọi đó là thừa, vượt thẩm quyền pháp luật. Trách nhiệm của người đảng viên là phải chấp hành nghiêm, đồng thời gắn với giáo giục gia đình, người thân, lan tỏa ý thức chấp hành pháp luật đến từng người dân. Đó chính là văn hóa thượng tôn pháp luật, trở thành nếp văn hóa của mỗi đảng viên cho đến mọi tầng lớp xã hội. Những kẻ so sánh, bình luận về những nội dung của quy định là “vi hiến”, “trái pháp luật” chính là những kẻ đang cố tình làm trái pháp luật, xuyên tạc sự thật.

“Những điều đảng viên không được làm” là quy định đối với cán bộ đảng viên, nhưng đồng thời đảng viên vẫn phải chấp hành pháp luật với tư cách công dân. Quy định riêng với đảng viên chỉ là nhấn mạnh, ràng buộc của tổ chức Đảng, người dân không phải đối tượng bắt buộc nhưng không có nghĩa muốn làm gì thì làm. Quy định bao hàm giá trị nhân văn, đạo đức, chế tài của pháp luật nhằm hạn chế sai phạm của đảng viên nói riêng và công dân nói chung. Có những điểm trong quy định còn là quy phạm đạo đức mà mỗi người cần hướng tới, đồng thời thực hiện chức năng giám sát, phát hiện sai phạm của đảng viên. Cho nên, “công dân vẫn được làm” chỉ là ý kiến xảo trá, xuyên tạc nhằm kích động chia rẽ người đảng viên và nhân dân, ngụy tạo cho quan điểm chống đối.

Ngay trong điều 9 quy định: “Chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định” thì đảng viên vi phạm bị xử lý, nhưng người dân sai phạm cũng bị chế tài theo luật. Cái kiểu nói cho lấy được, nói liều chỉ là nhằm xuyên tạc, lấy danh nghĩa phản biện để che giấu tâm địa hằn học, chống lại chủ trương của Đảng.

Những hành động mạnh mẽ của Đảng trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực thời gian qua thể hiện ý chí quyết tâm trong chỉnh đốn Đảng. Không như một số kẻ cực đoan phủ nhận và tuyên truyền kích động chống đối.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH