Một ngày cuối tháng 11/2021, anh L. H. L. trú ở phường An Đông, TP. Huế nhận được thông tin bêu xấu tên tuổi của mình trên mạng xã hội. Rất nhiều hình ảnh của anh bị các đối tượng photoshop đính kèm với dòng thông báo: “Chuyên dùng thủ đoạn gian dối, đi vay để chiếm đoạt tài sản, tiền vay không trả, mong mọi người hết sức cẩn thận với đối tượng. Phía chủ nợ nhiều lần nhắn tin nhắc nhở, nhưng đối tượng vẫn quen thói trốn và hẹn nhiều lần, phía gia đình tỏ thái độ bất hợp tác, thiếu thiện chí thanh toán”.

Dòng thông báo này được các đối tượng đăng dưới dạng các bình luận trong các bài viết ở facebook có bạn bè với anh L. và lan truyền rất nhanh trước khi đối tượng gửi trực tiếp đến anh L. “Nhiều bạn bè ngay lập tức chụp màn hình, nhắn tin cho tôi, tôi tỏ ra bất ngờ và không hiểu chuyện gì đang xảy ra”, anh L. nói và cho biết tâm lý rất lo lắng, bất an.

Sau một hồi định hình, anh L. khẳng định không hề vay mượn tiền và không trốn nợ ai và không hiểu tại sao bị bêu tên, bôi nhọ trên mạng như vậy. Anh L. cho biết, những thông tin không chính xác, bêu xấu tên tuổi của mình như thế đã ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín, danh dự đến bản thân lẫn gia đình. Ngay lập tức, anh phải viết một dòng trạng thái để vừa đính chính vừa mong mọi người đề phòng với thủ đoạn xấu này.

Theo anh L., khả năng trong quá trình giao dịch thông qua nhiều hình thức, thông tin cá nhân đã bị ai đó “bán” nên dẫn đến tình trạng nói trên. “Nhiều người khuyên nên báo công an hoặc khởi kiện. Tuy nhiên số điện thoại và nick trên mạng đều là ảo và không biết chính xác người đưa thông tin là ai nên rất khó”, anh L. nói.

Tương tự, anh P. V. T (huyện Phú Vang) dù đang làm việc ở Huế, bỗng nhiên một ngày anh được người bạn ở TP. Hồ Chí Minh gọi ra với thông tin “thấy ảnh, tên tuổi và số điện thoại của anh bị dán trên cột điện ngay giữa trung tâm một quận sầm uất”. Kèm theo hình ảnh, tên tuổi và số điện thoại đó là nội dung mắc nợ và đề nghị phải trả gấp cùng những lời hăm dọa.

Anh T. cho biết, chưa khi nào vào TP. Hồ Chí Minh, chưa bao giờ vay nợ gì ai nên khi hay tin vậy anh cũng chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. “Mình ở Huế, làm việc tại đây, đâu có nợ nần gì. Ban đầu khi nhận được thông tin đó mình tỏ ra lo lắng, bất an, nhưng rồi nghĩ đây là một thủ đoạn lừa đảo, bêu xấu nên không mấy quan tâm”, anh T. nói. Khi liên lạc tới số điện thoại của các đối tượng thì không nhận được hồi âm, nên anh T. cho rằng đó chỉ là thủ đoạn lừa đảo và các thông tin đó có lẽ cũng từ trên các trang mạng xã hội.

Ngoài đăng hình ảnh thông tin trên mạng, nhiều đối tượng xấu còn dùng thủ đoạn gọi điện thoại đến trực tiếp từng người, cũng như số điện thoại bàn của các gia đình. Điện thoại di động thì có thể chặn số, nhưng điện thoại bàn càng khổ hơn. Anh V. P. ở TP. Huế kể rằng, có giai đoạn hơn một tháng ngày nào số máy bàn nhà anh liên tục nhận cuộc gọi lạ. Người ta gọi và thông báo nội dung đại loại “tòa án thông báo bạn có đơn tố cáo nợ tiền, đề nghị trả…”. Biết đó là tin giả, cúp máy không nghe hết nội dung, nhưng sau đó các đối tượng này lại gọi, khiến nhiều thành viên trong nhà bất an theo.

“Chiêu lừa đảo nào không mới nhưng vẫn diễn ra khắp nơi. Nhiều người thiếu cảnh giác ngay lập tức trở thành nạn nhân của các nhóm lừa đảo này. Vì thế, tôi mong cơ quan chức năng phải có biện pháp cứng rắn hơn trong việc bảo mật thông tin cá nhân cũng như mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý các nhóm lừa đảo”, anh P. đề nghị.

Cần sớm trình báo lực lượng công an 

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định, thời gian qua, lực lượng công an đã bắt, xử lý nhiều vụ việc tương tự liên quan đến các đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội để bêu tên, đe dọa người dân với ý đồ cá nhân.

Vì vậy, người dân cần hết sức bình tĩnh, nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời đấu tranh, tố giác tội phạm. Với những trường hợp cụ thể, người dân cần sớm trình báo lực lượng công an để có hướng truy xét, xử lý.

Thông thường các đối tượng này ẩn danh, có số điện thoại, nhưng không truy nguyên được; trụ sở nằm ở nước ngoài, nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Ngoài nâng cao vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình, lực lượng công an rất mong các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp người dân hiểu rõ hơn vấn đề; tuyệt đối không hoang mang dao động trước âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng xấu, coi thường pháp luật.

ANH PHONG

NHẬT MINH