UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì tại điểm cầu trực tuyến Tỉnh ủy
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự và chủ trì có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Các Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trong cả nước, cùng hơn 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế.
Tham dự và chủ trì tại điểm cầu của Tỉnh ủy, có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Diễn đàn tập trung tọa đàm cấp cao với sự tham gia trao đổi, thảo luận của các lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung vào 2 nhóm nội dung lớn. Đó là, đề xuất, góp ý hoàn thiện khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; mô hình, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030...
Diễn đàn là căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới.
Tại Thừa Thiên Huế, tuy phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương, hệ thống chính trị; sự chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Kết quả đó chính là nhờ sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự năng động, vượt khó của doanh nghiệp; đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã thành lập các tổ hỗ trợ doanh nghiệp; đề ra từng giải pháp cụ thể; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; không ngừng nâng cao năng lực ngành y tế. Đồng thời, tổ chức tiêm vắc xin cho khối sản xuất; ban hành các quy định phòng, chống dịch tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; nâng cao năng lực tự chủ trong công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nhân lực cho lao động sản xuất… để thực hiện mục tiêu “kép” vừa chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.
Tin, ảnh: Anh Phong