Phối cảnh Khu đô thị Chân Mây - đô thị ven biển hiện đại trong tương lai

Trong quy hoạch xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đô thị CM-LC được định hướng phát triển thành đô thị loại III. Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị Chân Mây, với định hướng tính chất phát triển là khu vực đô thị quan trọng của Khu kinh tế CM-LC, có phạm vi ranh giới thuộc địa bàn 3 xã Lộc Thủy, Lộc Tiến và Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, diện tích quy hoạch khoảng 3.440ha.

CM-LC có cảng nước sâu được xác định là cửa ngõ quan trọng thông ra Biển Đông gần nhất nối các nước trên hành lang kinh tế Đông – Tây. Đây là điểm trung chuyển, liên kết, hỗ trợ cho các cụm cảng vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ, gồm Chu Lai (Quảng Nam), Tiên Sa, Liên Chiểu (Đà Nẵng), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), tạo thành chuỗi liên kết đô thị ven biển miền Trung, là hạt nhân tăng trưởng chính của khu vực này. Từ những tiềm năng, thế mạnh đó, đô thị Chân Mây được định hướng là đô thị cảng, đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây đồng thời là một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm quốc gia, quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao.

Đô thị sinh thái, an toàn

Theo ông Lê Văn Tuệ, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, mục tiêu phát triển xây dựng Khu đô thị Chân Mây hiện đại mang tầm quốc gia, quốc tế, hoàn chỉnh về cơ cấu chức năng, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhưng vẫn mang bản sắc riêng của kiến trúc, văn hóa Huế và vùng sinh thái tự nhiên ven biển. Đô thị Chân Mây sẽ trở thành đô thị sinh thái, an toàn, an tâm và thân thiện với môi trường, có nhiều không gian xanh, cấu trúc đô thị đạt được khả năng thông thoáng tốt, tạo môi trường sống, làm việc thuận lợi và có sức hấp dẫn, thu hút đầu tư.

Cảng nước sâu Chân Mây có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Với tiêu chí đã xác định, đến nay, khu đô thị Chân Mây đã xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật 4 dự án (DA) tái định cư với tổng diện tích khoảng 125ha, khả năng bố trí cho khoảng 3.000 hộ dân. Khu đô thị cơ bản hoàn thiện các tuyến giao thông chính theo quy hoạch chung, với tổng chiều dài đường đô thị khoảng hơn 120km đường bộ, đáp ứng nhu cầu lưu thông và tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận triển khai DA. Các hạng mục xây dựng nhà máy nước Chân Mây có công suất 11.000m3/ngày đêm, 3 trạm biến áp 110/22kV với công suất 75MVA và mạng lưới phân phối đã hoàn thiện. Mạng viễn thông cũng được tập trung đầu tư đáp ứng nhu cầu cung cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư. Bệnh viện Đa khoa Chân Mây với quy mô 200 giường đã đi vào vận hành cùng với hệ thống phòng khám đa khoa trên địa bàn, góp phần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân và người lao động của các doanh nghiệp.

Đến nay, các khu chức năng đô thị gồm khu trung tâm hành chính, các trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ, y tế, giáo dục, khu ở mới và các khu dân cư hiện tại... được tiếp tục quan tâm đầu tư. Dự báo đến năm 2025, dân số đô thị Chân Mây khoảng trên 130 ngàn người, diện tích đất xây dựng đô thị hơn 3.439ha. Trong đó, đất ở biệt thự trên 246ha, đất ở liền kề hơn 230ha; đất chuyên dụng gồm công trình công cộng, công trình hành chính, thương mại, y tế, giáo dục, công trình phức hợp... trên 1.084ha. Riêng khu vực đô thị kết hợp với khu công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao có tổng diện tích trên 1.344ha...

Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc - ông Phan Công Mẫn cho biết, từ tính chất xây dựng Chân Mây là đô thị sinh thái, kết hợp phát triển khu công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao, đến nay, những điểm đến trong hệ thống suối thác gồm suối Tiên, suối Voi, thác Mơ… đã được khai thác và xây dựng thương hiệu.

Biển Bình An, Cảnh Dương cũng được đánh giá thuộc “top” bãi biển đẹp của khu vực miền Trung, khu vực này đang thu hút số lượng nhiều nhất các nhà đầu tư về dịch vụ nghỉ dưỡng biển. Trong đó, có thể kể đến DA Laguna là khu nghỉ dưỡng tầm cỡ. Các khu du lịch nghỉ dưỡng biển Địa Trung Hải, Minh Viễn tầm cỡ quốc tế cũng đang được tiếp tục xây dựng.

Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều DA sản xuất công nghiệp quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, ít ảnh hưởng đến môi trường đã đến đầu tư tại khu quy hoạch đô thị Chân Mây. Cụ thể đến nay đã thu hút được 6 DA sản xuất công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 6.700 tỷ đồng, trong đó có một số DA lớn, dự kiến đóng góp nhiều cho ngân sách như 2 DA sản xuất lắp ráp ô tô, DA sản xuất phụ kiện ô tô Nakamoto, DA sản xuất đồ chơi Billion Max, DA dệt tất Sunjin, DA gia công thạch anh cung cấp cho ngành điện tử...

Hài hòa giữa công nghiệp và du lịch

Với định hướng phát triển là đô thị hiện đại, trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng cao cấp; đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao... CM-LC sẽ có những sự lựa chọn, phân luồng khác nhau giữa nhu cầu du lịch và công nghiệp, để tạo sự hài hòa, tương hỗ lẫn nhau trong tiến trình phát triển đô thị.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, đại diện cho nhà đầu tư DA Nhà máy gia công Thạch Anh - Chân Mây (có tổng vốn đầu tư 110 triệu USD) cho rằng, khi công nghiệp phát triển mà vẫn đảm bảo yếu tố môi trường, lúc đó công nghiệp sạch còn là động lực để du lịch phát triển. Ngược lại, du lịch phát triển càng tạo ra sự năng động, giúp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới.

Theo ông Phan Công Mẫn, để góp phần hỗ trợ tích cực việc xây dựng, phát triển đô thị Chân Mây theo đúng định hướng quy hoạch, UBND huyện luôn quan tâm quản lý quy hoạch, giám sát và có những kiến nghị điều chỉnh kịp thời nhằm tránh nảy sinh những xung đột trong quá trình phát triển giữa hai lĩnh vực công nghiệp và du lịch. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư triển khai thực hiện DA, hoàn thành các đồ án quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đã được phê duyệt.

Cũng theo lãnh đạo Ban quản lý các Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Khu đô thị Chân Mây, không nhất thiết phải thu hút tất cả các DA sản xuất công nghiệp mà phải có chọn lọc, phù hợp với định hướng phát triển là du lịch nghỉ dưỡng và công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. “Trong xu thế hiện nay và tương lai, công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường là định hướng mà các quốc gia đang hướng đến. CM-LC là nơi đầu tư lý tưởng, bởi nó sẽ hình thành khu đô thị công nghiệp sinh thái theo hướng toàn cầu”, ông Lê Văn Tuệ khẳng định.

Vấn đề còn lại là việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền từ Trung ương tới địa phương. Qua đó, giúp địa phương chủ động công tác xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức khác nhau, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu để hình thành các thiết chế của đô thị loại III theo quy hoạch, đưa Chân Mây xứng tầm là đô thị hiện đại, trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao trong tương lai.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ