Nắng cũng như mưa, mùa đông cho chí ngày xuân, trên vỉa hè dành cho người đi bộ của một cây cầu vắt qua sông Hương, chiếc xe xích lô là nhà, người qua đường là bạn, anh say sưa trong giấc đêm sau một ngày mưu sinh vất vả. Không biết còn có ai chú ý đến anh như tôi không, còn tôi, cũng vì cuộc mưu sinh như anh, đường khuya hiu hắt khi kim đồng hồ chỉ con số quá 0 giờ mới trở về nhà sau một ngày làm việc nên tôi lại mặc nhiên xem anh như người bạn đồng hành mỗi tối.

Phố về khuya, những âm thanh huyên náo dần trở lại sự im ắng vốn dĩ được xem là đặc trưng của xứ thần kinh, những chiếc thuyền rồng phục vụ khách du lịch cũng trôi về đậu yên trong bến.

Vào giờ ấy bốn bề tịch lặng, chỉ thỉnh thoảng một vài chiếc xe chạy lướt qua để lại tiếng nẹt pô khét rẹt sau lưng, dường như đã quá quen nên những tiếng động cơ ấy không làm giấc ngủ của anh ngắt ngang nửa chừng. Ngọn gió từ sông Hương lồng lộng phóng khoáng, mặc kẻ qua người lại, chiếc xích lô và anh ung dung ngủ trên cầu như một dấu chấm than của thành phố trầm mặc cổ kính này.

Hạnh phúc là gì? Có thể với nhiều người hạnh phúc là được sống trong một tòa nhà đẹp, một cuộc sống sung túc vương giả, một giấc ngủ ngon lành trong chăn ấm nệm êm chăng?... Người ta hay nói rằng, biết đủ là đủ, biết bằng lòng với hiện tại mà mình đang có, đó cũng là hạnh phúc vậy.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu hát:“Tôi nay ở trọ trần gian, trăm năm về chốn xa xôi cũng gần”. Phải chăng giữa đất trời bao la này, hạnh phúc của người đạp xích lô ấy là một giấc ngủ thật tĩnh tại, thật bình yên, những bể dâu trong cuộc đời, những mưu mô xảo trá không khiến giấc ngủ của anh phải bận tâm.

Tôi hoàn toàn không biết anh từ đâu tới, có gia đình không hay chỉ là một người vô gia cư, lấy lề cầu này làm chỗ trọ, tài sản là chiếc xích lô đơn sơ thành giường. Còn hạnh phúc nào hơn khi có một giấc ngủ mà không nơm nớp lo sợ tài sản bị đánh cắp, giữa bốn bề đất trời thênh thang giấc ngủ của anh có làn gió sông tự tình xoa dịu, làm vơi đi những cơ cực sau một ngày gò lưng đạp xe vất vả, nhọc nhằn.

Khổ đau của người này đôi khi lại là hạnh phúc của người khác, như có lúc nhìn giấc ngủ hồn nhiên của anh tôi đã từng ước có một lần được như thế, giữa thiên nhiên đất trời cởi trói được muôn điều ràng buộc, vô ưu, vô úy, vô ngại cho một giấc ngủ bình thường, bình yên.

 Huế luôn luôn có những góc khuất đặc biệt như vậy, như hình ảnh anh phu xe nằm ngủ trên chính chiếc cần câu cơm của mình giữa dòng sông thơm mỗi đêm tôi bắt gặp. Cũng như Huế từng có Phương Xích Lô kiêu bạc, rất đời với những dòng thơ khinh khoái mà nhiều người, từ những nhân sĩ trí thức đến tầng lớp người dân lao động đều thuộc thơ anh và nhắc tên anh trong trìu mến: “Vắng khách đôi khi về chở gió/ Không tiền không bạc vẫn cười vang/ Dừng lại bên cầu nghe nước chảy/ Chợt thấy mình: một giọt nước Hương Giang” (Giọt nước Hương Giang - thơ Phương Xích Lô).

Sau những rêu phong cổ kính của thành quách cung điện nguy nga ấy là sự vươn lên bền bỉ của những mầm xanh tiếp nối. Những mầm xanh tâm hồn ấy luôn muốn nở hoa đâm chồi dù chỉ từ trong những góc khuất nào đó, dù chỉ là những thân phận nhỏ nhoi cũng lặng lẽ muốn góp một chút gì đó có ích cho Huế, cho đời, cho dòng chảy của dòng Hương, mãi thơm tình người tình đất. Và tôi mong trong giấc mơ của anh - người phu xích lô mỗi đêm lặng lẽ làm bạn cùng tôi một giấc Huế bình yên!

TRANG THÙY