Nhiều tỷ phú ngày càng giàu thêm trong đại dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: Laodong
Báo cáo Bất bình đẳng Thế giới được thực hiện bởi một mạng lưới các nhà khoa học xã hội ước tính rằng các tỷ phú năm nay sở hữu tổng cộng đến 3,5% tài sản hộ gia đình toàn cầu, tăng từ mức hơn 2% khi đại dịch bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020.
“Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa những người rất giàu và phần dân số còn lại”, ông Lucas Chancel - tác giả chính của báo cáo nhấn mạnh.
Báo cáo dựa trên nhiều nghiên cứu chuyên môn và dữ liệu công cộng, với lời tựa được viết bởi các nhà kinh tế học Abhijit Banerjee và Esther Duflo, hai trong số ba người đoạt giải Nobel năm 2019 về vấn đề nghèo đói.
Theo các nhà kinh tế này, “sự tập trung cực độ quyền lực kinh tế vào tay một thiểu số rất nhỏ người siêu giàu… cho thấy sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng”.
Các phát hiện trong nghiên cứu này cũng chứng thực một loạt các nghiên cứu hiện có, chỉ ra sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong nhiều khía cạnh, từ sức khỏe, xã hội, cho tới giới tính và chủng tộc trong thời kỳ đại dịch.
Danh sách tỷ phú thế giới hàng năm của Forbes năm nay đưa ra con số kỷ lục 2.755 tỷ phú, với tổng tải sản trị giá 13,1 nghìn tỷ USD, tăng mạnh so với mức 8 nghìn tỷ USD hồi năm ngoái.
Báo cáo mới cho thấy một nhóm rộng hơn gồm 520.000 người trưởng thành giàu nhất thế giới, chiếm 0.01% dân số thế giới, đã có tỷ trọng tài sản toàn cầu đạt 11% trong năm nay, tăng so với 10% của năm trước.
Được biết, nhóm 0,01% giàu nhất thế giới là những người có tài sản hộ gia đình ít nhất là 16,7 triệu euro (19 triệu USD), được điều chỉnh theo sức mua tương đương giữa các loại tiền tệ.
Các nhà phân tích cho rằng, một số người siêu giàu đã được hưởng lợi từ sự chuyển dịch sang các hình thức trực tuyến của phần lớn nền kinh tế thế giới trong thời kỳ áp đặt các biện pháp phong toả vì COVID-19, trong khi một số người khác lại gia tăng giá trị tài sản nhờ giá cổ phiếu và giá nhà đất tăng lên trong đại dịch.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong khi tình trạng nghèo đói tăng mạnh ở các nước có mức độ bao phủ phúc lợi thấp, thì sự hỗ trợ lớn của các chính phủ ở châu Âu và Mỹ thông qua các gói cứu trợ đã giúp giảm thiểu một số tác động của đại dịch cho những người có thu nhập thấp hơn.
“Điều này cho thấy tầm quan trọng của các chính sách phúc lợi nhà nước trong cuộc chiến chống đói nghèo”, ông Chancel cho biết.
Ngoài ra, ông Chancel cũng hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%. Đây được coi như một cột mốc có thể có trong nỗ lực ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy” về giảm thuế doanh nghiệp giữa các nước kể từ giữa những năm 1980.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters)