Nuôi cua gạch ở xã Hương Phong (TP. Huế)

Nhiều mô hình hiệu quả

Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh phối hợp với các địa phương, HTX triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất lúa. Sản phẩm tạo ra không chỉ đạt chất lượng mà còn được các DN tổ chức bao tiêu sản phẩm, với giá ổn định, cao hơn sản phẩm truyền thống. Mô hình “ba giảm, ba tăng” giúp nông dân hạn chế chi phí đầu tư và ô nhiễm môi trường nhưng lại tăng sản lượng, thu nhập. Mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng máy cuốn rơm không chỉ tận dụng nguồn lợi phục vụ sản xuất, tăng thu nhập cho người dân mà còn hạn chế tối đa tình trạng đốt đồng.

Hàng loạt mô hình chăn nuôi hiệu quả được TTKN thực hiện như cải tạo đàn bò bằng giống bò senepol, nuôi lợn nái an toàn sinh học, chăn nuôi vịt siêu thịt thâm canh trên sàn, nuôi cá leo bằng lồng trên hệ thống hồ chứa, sông ngòi theo hướng an toàn. Một số thủy đặc sản được thí điểm hiệu quả như nuôi ốc hương trong ao lót bạt theo hướng an toàn sinh học, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, ươm giống cá chình bằng nguồn nước tự chảy ở huyện miền núi. Riêng trong năm nay, TTKN thí điểm thành công các mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ thâm canh vườn bưởi, thanh trà sau bão lũ, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm, nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Trong số các mô hình do TTKN thí điểm đã có nhiều mô hình được các địa phương, nông dân nhân rộng, thật sự mang lại hiệu quả. Theo ông Lê Chí Hiệp, Giám đốc HTXNN Thủy Dương (TX. Hương Thủy), qua sản xuất thí điểm cho thấy, các giống lúa HG12, HN6, DT100, JO2… đạt năng suất cao, tạo ra sản phẩm chất lượng, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, trình độ canh tác của người dân. Nông dân còn được DN liên kết sản xuất, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm. Việc nhân rộng các mô hình còn tạo điều kiện chuyển giao kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa đến với nông dân, nâng cao trình độ canh tác.

Nhiều mô hình ứng dụng biện pháp kỹ thuật tổng hợp xử lý rơm rạ sau thu hoạch, thu gom rơm bằng máy cuốn phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường; nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm... đang được nhân rộng.

Để mô hình nhân rộng

Giám đốc TTKN tỉnh - Châu Ngọc Phi thông tin, hằng năm tỉnh đầu tư 1 tỷ đồng cho các hoạt động khuyến nông, chủ yếu tập trung vào các mô hình thí điểm, trình diễn cây trồng, vật nuôi mới, chủ lực có thế mạnh của tỉnh. Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, thông qua ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ sinh học, phương pháp canh tác mới, cơ giới hóa… từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn gắn với bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh các mô hình do TTKN thí điểm thành công đã được nhân rộng, phát triển vẫn còn một số mô hình chưa được nhân rộng. Mô hình nuôi cá tầm được TTKN đưa vào thử nghiệm lần đầu tại huyện miền núi A Lưới và khẳng định hiệu quả; tuy nhiên vẫn chưa thể chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng ở những vùng khác. Mô hình cải tạo đàn bò bằng giống bò senepol bước đầu cho thấy, giống bò này có nhiều đặc tính ưu việc như khả năng chịu nóng tốt, tăng trọng nhanh cũng chưa được nhân rộng.

Ông Phi khẳng định, một phần do thiếu kinh phí nên các mô hình trên chưa thể nhân rộng. Một số mô hình chỉ tập trung vào phục vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều; mô hình ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật sản xuất mới cũng gặp nhiều khó khăn trong việc nhân rộng. Một số mô hình thí điểm còn dàn trải, phân tán, nhỏ lẻ nên chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, dẫn đến sản phẩm khó tiêu thụ, nhất là các giống cây trồng, vật nuôi mới.

Theo TTKN tỉnh, để hoạt động khuyến nông thật sự tạo đà thúc đẩy phát triển nông nghiệp, ngoài trình độ, năng lực cán bộ, nguồn nhân lực đảm bảo cần nâng mức đầu tư lên 2,3 tỷ đồng/năm. Nguồn kinh phí cần phân bổ sớm từ đầu năm nhằm kịp thời triển khai các mô hình phù hợp với khung lịch thời vụ, điều kiện thời tiết, tránh mùa mưa lũ, khô hạn.

Bài, ảnh: Hoàng Triều