Các cơ sở lưu trú đang gặp khó trong việc tiếp cận gói hỗ trợ về giảm tiền thuê đất
Khó tiếp cận
Hiệp hội Du lịch cho hay, trên thực tế đã và đang có rất nhiều chính sách của Nhà nước để hỗ trợ cho DN, người lao động nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đó là Quyết định 33, Quyết định 23, Nghị quyết 126 và Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 154 sửa đổi Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch; Nghị định 92 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động bởi dịch bệnh.
Bên cạnh đó là Nghị quyết 84, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (giảm tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19); Nghị quyết số 41, giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất; Nghị định số 52, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021...
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên các doanh nghiệp du lịch trước ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Thực tế là, phần lớn các chính sách trên, DN du lịch không được thụ hưởng hoặc thụ hưởng rất ít. Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh nêu ví dụ, tại Quyết định 33 và Quyết định 23 của Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn. Các DN rất khó áp dụng vì thời điểm nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trong thời gian năm 2021, là thời điểm mà rất ít DN còn duy trì được hoạt động; phần lớn các DN du lịch đã phải giảm lao động, dừng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động từ giữa năm 2020 trở về trước; các DN tạm dừng hoạt động là không có khách để phục vụ, chứ không theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19...
Tương tự, tại Nghị định 92 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm hỗ trợ DN, người dân; trong đó, có miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021 do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Dù thế ở Huế, các DN chủ yếu tại địa bàn thành phố, không được hưởng chính sách này. Cũng tại Nghị định này, có hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Nhưng trong giai đoạn được giảm thuế này, rất ít DN du lịch còn hoạt động và phát sinh doanh thu nên chính sách này không hỗ trợ được gì nhiều cho DN.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú tỉnh tiếp lời, trong Nghị định 92 có quy định miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với DN, nhưng không áp dụng đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp. Đối với lĩnh vực lưu trú phải đi thuê đất tại các vị trí đắc địa nên tiền thuê đất cao hơn, lại có tâm lý sợ ảnh hưởng đến việc duy trì hợp đồng thuê đất và pháp lý nên phải tập trung nguồn lực để trả tiền thuế, kể cả khoản tiền chậm nộp. Do đó, đa số DN lưu trú ở Huế không được hưởng chính sách quan trọng này. DN rất mong muốn được hoàn lại tiền chậm nộp mà các DN đã trả hoặc cấn trừ vào số tiền thuế phải nộp ở các kỳ tiếp theo.
Chính sách phải đến với doanh nghiệp
Ông Đinh Mạnh Thắng cho rằng, DN biết giai đoạn này phải nỗ lực, đoàn kết nhiều hơn nữa để cùng nhau vượt khó. Tuy nhiên, có những khía cạnh, lĩnh vực DN du lịch rất cần được hỗ trợ. Trong cuộc họp mới đây với Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chúng tôi cũng thẳng thắn chỉ ra những lý do khiến DN không thể tiếp cận và nhấn mạnh các chính sách cần giúp cho DN thật sự.
Doanh nghiệp du lịch rất cần thêm những gói hỗ trợ để việc kinh doanh trở lại hiệu quả hơn
Theo đó, các DN du lịch kỳ vọng giảm từ 10% xuống 5% đối với mức thuế VAT cho người tiêu dùng đến năm 2023. Việc giảm mức thuế này sẽ giúp khách du lịch giảm mức phải chi cho hoạt động du lịch, từ đó tạo điều kiện để người dân tham gia nhiều hơn các sự kiện, chương trình du lịch. Cùng với đó, có thể giảm thuế thu nhập DN từ 22% xuống 17% để các DN du lịch có thể vượt qua khó khăn và có sự tích lũy.
Bên cạnh đó, họ cũng mong có thể tiếp cận thêm các gói vay hỗ trợ lãi suất. Về những chính sách hỗ trợ với người lao động, nên thực hiện thông qua các DN quản lý lao động. Bởi, các DN đã có đầy đủ về thông tin liên quan đến bảo hiểm, mã số thuế cá nhân... nên sẽ thuận tiện hơn trong công tác hỗ trợ với người lao động.
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch nói rằng, ngành rất hiểu những khó khăn của DN hiện tại. Đúng là những chính sách hỗ trợ vượt tầm cấp sở, cũng như cấp tỉnh. Với góc độ quản lý ngành ở địa phương, Sở Du lịch đang có rất nhiều chính sách để hỗ trợ, như về quảng bá, đào tạo lại lao động, các quy trình về đón và phục vụ khách. Hy vọng, những chính sách hỗ trợ tiếp theo sẽ giúp được DN nhiều hơn, nhất là giai đoạn thích ứng sẽ có rất nhiều thay đổi về hoạt động và phương án xử lý khi có dịch bệnh.
Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, sẽ tổng hợp các ý kiến và tiếp tục các đề nghị với các cấp cao hơn. Trong tháng 12 này sẽ có kỳ họp Quốc hội bất thường để có thể thông qua những gói hỗ trợ kích thích kinh tế phục hồi và phát triển. Hy vọng các chính sách sẽ đến với DN du lịch và người lao động, để tạo ra động lực phục hồi trong trạng thái thích ứng mới.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG