Du lịch trên lòng hồ thủy điện Bình Điền (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Nếu vẽ một bức tranh Mẹ Đất nằm thảnh thơi gối đầu lên núi, thì vùng gò đồi là bầu sữa của Mẹ. Nơi ấy, ngày xưa là vùng cổ tích. Đó cũng là nơi người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và lưu truyền các tập tục văn hóa đặc sắc của mình, chính họ cũng làm nên truyền thống cách mạng, viết nên những trang sử giữa rừng xanh.

Lịch sử một vùng đồi

Xã Hồng Tiến (Hương Trà) ngày xưa, thuở ban đầu cộng đồng dân cư chủ yếu đồng bào Pa Hy sinh sống ở khu rừng núi thấp, tiếp giáp đồng bằng huyện Phong Điền. Từ đó, nối lên các đỉnh núi cao như Tar Lang Ai, Vò Vo, Cô Va, Đá Đụt, Dốc Chè, Máu Nhà, Lim Lôm, Cóc Muôn, Cóc Khó, Cóc Bai, Târ Roh, Đồi Mang… Khu đông dân cư nhất là quanh vùng Tam Dần, nơi có khe Tam Dần thuộc thượng lưu Rào Trăng, vùng thôn Ala đầu nguồn sông Bồ... thuộc xã Phong Sơn, Phong Điền. Năm 1963, Ban cán sự miền Tây Thừa Thiên quyết định tách Hồng Tiến thuộc huyện A Lưới. Năm 1990, xã Hồng Tiến được nhập vào TX. Hương Trà.

Chúng tôi gặp các bác là chiến sĩ năm xưa đánh Mỹ trên những đỉnh cao quanh vùng Bình Tiến ngày nay: Xã đội trưởng Nguyễn Văn Cao, Trung sĩ Ăm Poong Đài, Thượng sĩ Pake Đoàn, Ăm Poong Bầu… Những câu chuyện được những người chiến sĩ năm xưa kể lại không hề rời rạc, xâu chuỗi như những trang sử tiếp nối. Như chuyện năm 1955, Huyện ủy Phong Điền chủ trương chia nhỏ các thôn xóm để phân tán dân cư cho địch khó kiểm soát. Thôn Ba Đa được chia ra 4 xóm: Khe Voi, Khe Thu, Khe Trăn, Xóm Lấu. Thôn Khe Tre được chia thành 6 xóm: Khe Cát, Khe Riềng, Ăm Chậm, Đôi Bồ, Mười Ăm Đâng và xóm Mít. Thôn Thai chia ra 5 xóm: làng Thai, Bảy Xóm Chòi, Miêm, Koanh Anh, Koanh Mua… Hay chuyện cuối năm 1955, chính quyền ngụy lên bắt đồng bào làm căn cước để dễ quản lý. Đồng bào nói từ xưa nay chỉ có Yang quản lý họ, để người khác quản lý thay Yang thì Yang bắt đau, bắt chết; từ đó không hợp tác làm căn cước... Trong đấu tranh vũ trang, các chiến sĩ tóc bạc nhớ nhất trận chống càn tháng 10/1960. Địch tổ chức trận càn lớn, du kích phối hợp với bộ đội vũ trang tổ chức phục kích, đến 3 giờ sáng, địch lọt vào tầm ngắm. Có 2 tên trốn thoát thì ngày hôm sau cũng bị Ăm Mít lập mưu bắt khi chúng vào căn bếp xin ăn…

Nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện Bình Điền

Quá trình tụ cư của xã Bình Điền diễn ra trong nhiều đợt. Cuối năm 1975, gần 200 hộ dân ở hai xã Hương Phong, Hương Vinh lên vùng kinh tế mới Khe Điêng, năm 1976 giao cho xã Bình Điền quản lý. Tháng 3/1976, UBND cách mạng TP. Huế đưa 970 hộ với 4.361 nhân khẩu lên làm ăn, sinh sống ở Lương Miêu, Bình Điền. Dần dần xã ngày một đông dân. Trong quá trình hình thành và phát triển, Đảng bộ xã Bình Điền đã biết khai thác thế mạnh vốn có của địa phương để đưa xã nhà phát triển thành xã loại 1 của TX. Hương Trà.

Xã mới, hướng đi mới

Từ 1/7/2021, Bình Điền và Hồng Tiến nhập lại thành xã Bình Tiến. Chủ tịch UBND xã Bình Tiến - Nguyễn Trung Kiên nhận xét: Việc nhập xã đem lại nhiều cơ hội phát triển. Địa giới hành chính mở rộng sẽ làm thay đổi kinh tế, tăng giá trị sử dụng đất đai, tạo ra những ngành nghề và việc làm mới… Kinh tế sẽ phát triển đa dạng, đặc biệt là cơ hội để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế địa phương, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ đó thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp…

Phó Chủ tịch UBND xã - Hoàng Thị Tuyết cho biết: Khi nhập xã thì nhiều chuyện tâm tư. Xã Hồng Tiến phần lớn người dân là dân tộc thiểu số nên truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán có khác biệt. Cán bộ không chuyên trách dôi dư, tâm tư. Việc chuyển đổi hồ sơ giấy tờ trong dân cũng phức tạp thời gian ban đầu do thay đổi con dấu. Địa bàn rộng hơn thì các tệ nạn xã hội phức tạp hơn. Đặc biệt, tập quán sinh hoạt giữa bà con Hồng Tiến và Bình Điền không thống nhất. Nhưng tất cả phải nhìn về phía trước, nhìn về tương lai…

Đã có những khởi sắc từ khi nhập xã. Chợ Bình Điền với vai trò là trung tâm thương mại toàn vùng, giờ giúp cho bà con Hồng Tiến nhanh chóng tiêu thụ nông sản. Dù dịch COVID-19 có ảnh hưởng, song khi có điều kiện, vẫn sôi động họp chợ với hàng hóa phong phú, đa dạng. Các ngành dịch vụ, thương mại… dù dịch bệnh nhưng năm nay vẫn ước đạt 80 tỷ đồng, hơn 61% kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp của Bình Tiến đang chú trọng phát triển vườn cây ăn quả, hiện đang duy trì 45ha các loại cây ăn quả có giá trị như cam, bưởi da xanh, thanh trà, chôm chôm… Năm nay, bà con đã chuyển đổi trồng cây ăn quả được 13ha, trong đó bưởi da xanh 9ha, thanh trà 2 ha, cam xã đoài 2ha. Bà con cùng trồng thêm 20ha keo mô thí điểm, đang duy trì tổng diện tích rừng trồng 1.640,5ha, rừng trồng cây gỗ lớn theo chứng chỉ FSC hiện đạt 194,7ha…

Ngành công nghiệp và xây dựng của xã đang phát triển bền vững. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và xây dựng toàn xã năm 2021 đạt trên 56 tỷ đồng… Xã hiện đang có chính sách cho doanh nghiệp xây dựng trang trại nuôi trồng quy mô lớn…

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có bước phát triển ổn định, vững bền. Bình Tiến đã đạt 15/15 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập người dân tăng lên, hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, văn hóa, môi trường ngày càng phát triển…

Bên trong khu rừng cạnh Suối Máu, một trang trại phong lan với mức đầu tư nhiều tỷ đồng đang được xây dựng. Mai đây, lan rừng Bình Tiến xuất khẩu đi muôn nơi, sẽ là dấu hiệu mới, cùng hàng mỹ nghệ, mây tre, bưởi da xanh, thanh trà… mang lại cho Bình Tiến sự sôi động của hàng hóa để góp vào sự phát triển của vùng đồi xanh thẳm…

Bài, ảnh: VÕ TRIỀU SƠN