Cảm thấy hứng thú, nhưng cứ nghĩ đó là điều còn khá xa vời là những điều mà chúng tôi có khi KTS. Nguyễn Phước Thiện từ TP. Hồ Chí Minh ra Huế, trò chuyện về việc có thể tổ chức các tour tham quan di sản bằng ứng dụng công nghệ thực tế ảo. Đó là khoảng thời gian mà tôi nhớ chừng khoảng trước 2015. Nhưng cho đến hiện tại, việc ứng dụng này đã trở thành một phương thức để đưa di sản văn hóa Huế tiếp cận nhiều hơn, xa hơn đến công chúng.

Gần đây nhất là việc điện Thái Hòa đã được scan, số hóa 3D các hình ảnh một cách chân thực và sinh động nhất để đưa vào phục vụ khách tham quan bằng công nghệ thực tế ảo trong quá trình trùng tu (khởi công từ 23/11/2021 và dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2025). Đây là một phần trong dự án trùng tu điện Thái Hòa do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Công ty AGS Technologies phối hợp thực hiện. Việc lưu trữ các dữ liệu, hình ảnh bằng số hóa cũng là giải pháp để quản lý, chia sẻ và đối chiếu trong quá trình trùng tu, tôn tạo với các đơn vị liên quan.

Trước đó, dữ liệu và hình ảnh của Lăng Tự Đức và Cung An Định đã được chuyển thành mô hình 3D và sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để phục vụ cho mục đích du lịch, giáo dục, bảo tồn… thông qua sự phối hợp của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với CyArk (Mỹ) – một tổ chức phi lợi nhuận CyArk (Hoa Kỳ) và sự hợp tác với công ty Seagate Technology chuyên về giải pháp lưu trữ dữ liệu thực hiện vào giữa năm 2018. Có lẽ ngay từ thời điểm đó, công nghệ 3D và việc số hóa, lưu trữ, xử lý… để hỗ trợ cho việc nghiên cứu, bảo tồn đã bắt đầu được đánh dấu như một giải pháp tối ưu cho quá trình trùng tu, tôn tạo và phục hồi các di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Bằng việc mở rộng biên giới, phạm vi, đối tượng, đây cũng là giải pháp tối ưu cho việc mở rộng năng lực tiếp cận di sản thông qua công nghệ số hóa, nhất là trong giai đoạn khó khăn về dịch chuyển do đại dịch như hiện nay.

Trên không gian 3D, mới đây, không gian kiến trúc Trường Quốc Học Huế giai đoạn đầu thế kỷ 20 với dấu ấn đặc biệt về quãng thời gian Bác Hồ theo học vào những năm 1908-1909 đã được tái hiện một cách chân thực và sinh động thông qua sự phối hợp của Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên Huế và KTS. Nguyễn Quang Huy (chủ nhiệm CLB 3D Huế). 90% di tích, bảo tàng, điểm văn hóa cung cấp dịch vụ thực tế ảo và thanh toán trực tuyến tại các điểm đến di tích lịch sử, văn hóa thông qua nền tảng số; triển khai các ứng dụng thuyết minh tự động trên thiết bị thông minh bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác là một trong những mục tiêu cụ thể của năm 2025 của ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh nhà. Đến năm 2030, mục tiêu được xác định là 100% di tích, bảo tàng, điểm văn hóa cung cấp dịch vụ thực tế ảo; ứng dụng công số kết hợp công nghệ số 3D, 4D để giới thiệu về các di tích lịch sử, văn hóa.

Về lâu dài, các tác phẩm văn nghệ dân gian, biểu diễn nghệ thuật, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận… cũng sẽ được số hóa để mang đến những trải nghiệm tốt và tiện ích trong phương thức tiếp cận hiện đại đến công chúng.

NGUYỄN LÊ AN