Nhờ nhiều tín hiệu tích cực, vấn đề gián đoạn nguồn cung toàn cầu có thể sẽ giảm bớt vào nửa cuối năm 2022. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội Mới

 

Cụ thể, các nhà phân tích trước đó đã cảnh báo rằng biến thể mới – Omicron – có thể giáng một đòn khác vào chuỗi cung ứng. Trong đó, các biện pháp kiềm chế đại dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất và vận chuyển, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về chuỗi cung ứng.

Các nhà kinh tế của Euler Hermes nhận định, sự thiếu hụt sản xuất là nguyên nhân đằng sau của tình trạng khối lượng thương mại toàn cầu hiện giảm đến 75%, trong khi tắc nghẽn hậu cần là nguyên nhân của 25% còn lại.

Tuy nhiên, sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng có thể sẽ giảm bớt trong nửa cuối năm sau nhờ vào một số lý do.

Đầu tiên, nhu cầu tiêu dùng đạt đỉnh. Báo cáo của Euler Hermes lưu ý, trong khi các khoản tiết kiệm tích lũy trong đại dịch vẫn chưa cạn kiệt, nhu cầu sẽ dần tăng trở lại. Thứ hai, lượng hàng tồn kho sẽ trở lại mức tiền COVID-19. Cụ thể, sau khi giảm dự trữ vào đầu năm 2020, các nhà sản xuất đã gấp rút tái cung cấp để đối phó với sự phục hồi chưa từng có của nhu cầu. Mức độ khẩn cấp về bổ sung nguồn cung đã đạt đỉnh trong những tháng qua và đây là tín hiệu tốt.

Bên cạnh đó, cũng theo công ty bảo hiểm, tắc nghẽn vận tải cũng sẽ ít trầm trọng hơn vào nửa cuối năm 2022 do công suất vận chuyển đang tăng lên. Chi phí vận chuyển cũng có thể sẽ tăng trong năm tới, nhưng công suất hoạt động cũng tăng khi lượng đơn đặt hàng toàn cầu cho các tàu container mới đạt mức cao kỷ lục, cụ thể là lên đến 6,4% đội tàu hiện có.

Báo cáo của công ty Euler Hermes thông tin, sau khi chứng kiến mức tăng trưởng 8,3% vào năm 2021, dự đoán khối lượng thương mại toàn cầu sẽ tăng 5,4% trong năm 2022 và 3% vào năm 2023. Trong vài năm tới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là khu vực giành được thắng lợi lớn về kim ngạch xuất khẩu, trong khi các lĩnh vực khác như ngành năng lượng, điện tử, máy móc và thiết bị sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn vào năm 2022.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ CNBC)