Hầu hết các bà, các chị, các o có chung một mẫu số: làm việc liên tục, hầu như ít thời gian rảnh, chủ yếu là ở chợ, quầy hàng (những người luôn kiếm ra tiền hằng ngày nhưng là đồng tiền mồ hôi nước mắt) nên khi thấy mệt thì mở ngay lon “bò húc” vừa ngon ngọt vừa thơm tho, uống xong thấy khỏe liền, sức làm việc tăng ngay, do đó đâm ra ghiền, mỗi ngày uống 1-2 lon, cá biệt có người ghiền nặng, mỗi ngày uống 3-4 lon (!), dĩ nhiên tùy theo túi tiền có được. Hậu quả thế nào? Trước hết hầu như ai uống loại nước này về buổi tối thì thế nào cũng bị mất ngủ, người cứ thao thức giống như năng lượng bị dư thừa, lại mất ngủ. Sáng dậy, có khi dậy sớm làm lụng, một lúc thấy mệt, lại “bò húc” chơi luôn. Lâu dần, không hiểu sao cứ thấy người hoặc mập bụng hoặc gầy trơ xương, cơ thể suy nhược, lo lắng đi tiệm thuốc mua thuốc bổ về uống, khỏi cần khám bác sĩ vì đỡ tốn tiền hơn.

Trong công thức sản phẩm được in trên vỏ lon RedBull với dung tích 250ml, loại nước giải khát tăng lực này cung cấp 180 calories, đặc biệt không có calories cung cấp bởi các chất gây béo (Fat) như Saturated Fat và Trans Fat và cholesterol, chỉ có muối (sodium) 260mg (chiếm 11%), các carbohydrate 45g (chiếm 15%), riêng sugars (đường ăn) là 39g, còn proteine chỉ chiếm dưới 1g. Vitamin A, C, calcium và chất sắt (iron) không có (0g).
Về các thành phần (Ingredients) chứa trong chất uống, nhà sản xuất RedBull ghi rõ gồm có: nước, sucrose, citric acid (không rõ hàm lượng), Taurine (1000mg), choline (50mg), Inositol (50mg), Lysine (50mg), 1, 3, 7 Trimethylxanthine (caffeine, 50mg), vitamin B3 (20mg), Vitamin B5 (6mg), Vitamin B6 (3mg), Vitamin B12 (4mcg), Coloring và Flavoring added. Đây là các hoạt chất có trong rất nhiều các loại thuốc giảm đau, hạ nhiệt, chống cảm cúm, đau thần kinh, viêm đa dây thần kinh, chứng chán ăn, cơ thể mệt mỏi suy nhược do ốm nặng hoặc do làm việc nhiều, có tác dụng kích thích ăn uống, nhất là trẻ nhỏ biếng ăn, chậm lớn, phục hồi sức khỏe, ngăn ngừa chứng bệnh thiếu vitamin hoặc bổ sung vitamin bị mất đi do lao động ra nhiều mồ hôi... nên nếu thành phần đúng như nhà sản xuất công bố thì rõ ràng đó là “thuốc tăng lực”, uống vào đang mệt thấy khỏe ngay, ai mà không thích(!). Lại thêm chất đường ngọt ngào, chất tạo vị thơm ngon lạ lùng, càng uống càng ghiền là phải lẽ. Nếu còn chút lăn tăn lo nghĩ về vị ngọt có thể gây ra bệnh tiểu đường hoặc béo phì thì phần công thức đã được nhà sản xuất ghi rõ trên thân lon là không có chất tạo béo rồi, khỏi lo. Quảng cáo dựa trên thái độ khoa học, tính công khai rõ ràng như thế, chẳng trách khách hàng không thèm biết đến khoa học, nhất là khoa học dinh dưỡng tuyệt đối tin cậy sản phẩm, còn khách hàng khó tính cũng chào thua, không thể bắt bẻ. Vậy, tác hại có thực của việc uống “bò húc” là từ đâu ra?
Nếu nhà sản xuất kê khai trung thực công thức và thành phần hoạt chất có tác dụng như trên thì rõ ràng việc các bà các chị, các cháu nhỏ sử dụng quá nhiều nước tăng lực trong ngày hay các loại thực phẩm chức năng khác mới là nguyên nhân chính khiến người dùng bị suy nhược cơ thể do thiếu ăn uống đủ chất cần thiết cho cơ thể, sự mệt mỏi càng tăng, cuối cùng rơi vào vòng luẩn quẩn như đã nói trên. Vậy, nên chăng “không thái quá, không bất cập”, nghĩa là không nên dùng quá nhiều một thứ thức ăn, nước uống yêu thích, cũng không nên không dám dùng, tẩy chay không dùng, bởi bên cạnh cái hại do uống quá nhiều thì việc dùng nước tăng lực mức độ ít cũng có tác dụng tốt, nhất là khi đang khát mà không thể tìm ra nước uống.
Tây Linh Tử