Chị Tuất chia sẻ: “Từ khó khăn, nay cuộc sống gia đình tôi ổn định nhờ may hàng gia dụng, may quần áo sẵn bán ra thị trường và mạnh dạn kinh doanh mặt hàng này. Từ nhiều năm nay, chúng tôi đào tạo nghề miễn phí, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Tôi “duyên nợ” với với nghề này suốt 20 năm qua.

Bốn mươi năm trước, chị Tuất lên đường nhập ngũ rồi trở thành nữ y tá tại Viện quân y 268, rồi chuyển qua Bệnh xá 20 A Bình Trị Thiên. Năm 1988, chị nghỉ theo chế độ bệnh binh. Đồng lương ít ỏi, cuộc sống gia đình chị lúc nào cũng chật vật thiếu thốn. “Thấy người ta làm nghề may thu nhập khá hơn, tự nhủ, người ta làm được, tại sao mình lại không? Vậy là tôi quyết tâm tìm hiểu, học hỏi rồi bắt tay vào làm”, chị kể: “Ban đầu chỉ dám nhận may hàng gia công, sau chị vừa học hỏi, vừa mày mò sáng tạo đa dạng các mẫu mã mới, rồi tự mua vải may ra sản phẩm để bán. Lúc mới bán sản phẩm ra thị trường, vợ chồng chị thân chinh đưa hàng về các huyện trong và ngoại tỉnh để bán lẻ, giới thiệu dần mặt hàng. Hơn một năm trời, nỗ lực của nữ cựu chiến binh cần cù, ham học hỏi, có đầu óc sáng tạo được “đền đáp”. Nhiều sản phẩm của chị như áo sơ mi, áo khoác, đồ lót nam, quần áo trẻ em… được nhiều người biết đến, nhiều chủ cửa hàng thời trang, tiểu thương các chợ trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt hàng. Thành công bước đầu, tạo động lực cho chị quyết định mở rộng quy mô, đầu tư máy móc sản xuất, kinh doanh mặt hàng quần áo may sẵn..
Thời gian 2001-2010 là những năm chị thành công nhất, với hàng trăm đơn đặt hàng. Chị phải tận dụng tầng 2 căn nhà đang ở đầu tư 20 máy may, đồng thời sử dụng đất trong nhà xây phòng trọ cho công nhân ở lại để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Toàn bộ công nhân đều được chị đào tạo miễn phí, sau một năm, nếu ai có nhu cầu đều có thể xin ra ngoài làm. Nhờ đó, hàng trăm lao động tại thành phố Huế và các xã lân cận đã có nghề nghiệp ổn định, thu nhập khá từ cơ sở may của chị Tuất. Nhiều người đã gắn bó với chị gần 20 năm nay.
 Với chị Tuất, lúc nào quỹ thời gian cũng ít, cũng quý. Bởi quá trình sản xuất cũng là quá trình chị không ngừng tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, sáng tạo mẫu mã, kỹ thuật khoa học để áp dụng. Phải biết nắm bắt nhu cầu thị trường, rồi kiểm tra từng đường kim mũi chỉ để đảm bảo sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. 
“Hiện nay, công việc của mình có phần khó khăn hơn trước vì hàng Trung Quốc tràn vào quá nhiều, trong lúc vẫn phải đầu tư cho tất cả các khâu. Nếu không có đầu ra ổn định và kỹ thuật cao, sẽ bị lỗ. Thực tế khó khăn, nhưng mình có niềm tin, biết cố gắng sẽ thành công”, chị Tuất chia sẻ. Dù bận rộn với công việc kinh doanh, nhưng chưa có cuộc họp hội cựu chiến binh nào chị vắng mặt, với chị đó cơ hội ôn lại những năm tháng hy sinh gian khổ nhưng thắm đượm tình đồng chí, đồng đội.
Kiều Lâm