Tài xế xe khách đường dài xịt khử khuẩn hành lý của hành khách đi từ Singapore sang Malaysia trong kế hoạch thí điểm nối lại giao thông đường bộ giữa hai nước. Ảnh: Reuters
Tính đến ngày 14/12, Singapore ghi nhận 16 ca mắc biến thể Omicron, trong đó 14 ca là người nhập cảnh và 2 ca là nhân viên trong sân bay.
Dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch đã lan rộng ra cộng đồng, giới chức Singapore cho rằng đây chỉ là vấn đề thời gian, theo báo Straits Times.
"Phải chuẩn bị cho kịch bản dịch lan ra cộng đồng và số ca nhiễm tăng cao vì biến thể Omicron thật sự dễ lây nên sẽ làm tăng số ca nhiễm", ông Gan Kim Yong, bộ trưởng Thương mại kiêm lãnh đạo nhóm chuyên trách chống dịch COVID-19 của chính phủ, nêu quan điểm ngày 14/12.
Theo Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung, làn sóng lây nhiễm vì biến thể Omicron có thể xảy ra, đồng thời cho rằng việc giữ biến thể này ở ngoài biên giới là không thực tế, ngay cả khi Singapore đóng cửa đất nước hoàn toàn.
"Chúng ta phải học cách chung sống với Omicron cũng như với Delta", Bộ trưởng Ong nêu ý kiến trong cuộc họp báo ngày 14/12.
Singapore có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới với 96% dân số đủ điều kiện và 87% tổng dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, trong đó 30% đã được tiêm mũi 3.
Theo các bộ trưởng Singapore, nước này sẽ chuẩn bị năng lực đối phó với Omicron và sẽ tiếp tục kế hoạch mở cửa trong thời gian tới.
Trước mắt Singapore sẽ nâng số giường trong các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) lên 500 giường, nhiều hơn khoảng 220 giường so với thời điểm cuối tháng 10 là giai đoạn số ca mắc Delta đạt đỉnh.
Các công ty được phép yêu cầu nhân viên lên văn phòng làm việc nhưng chỉ 50% số người như lúc bình thường. Chính phủ Singapore sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp ở nơi có nguy cơ cao chi phí xét nghiệm thường xuyên cho đến tháng 3 năm sau.
Khoảng 60 điểm xét nghiệm nhanh do tư nhân vận hành sẽ được thiết lập trên khắp Singapore để việc xét nghiệm trở nên dễ dàng hơn.
Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong, một thành viên của nhóm chống dịch, cho biết sẽ đình chỉ các đường bay không cách ly tới Mỹ, Anh và Đức nếu tình hình dịch tại các nước này tệ hơn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Omicron vào danh sách biến thể đáng lo ngại hôm 26/11 sau khi nhận các báo cáo đầu tiên từ Nam Phi. Biến thể này có hàng chục đột biến, trong đó có các đột biến được cho là giúp virus dễ lây lan và né tránh được hệ miễn dịch.
Các bằng chứng sơ bộ cho thấy Omicron dễ lây lan nhưng phần lớn người mắc đều không cần nhập viện. Hôm 13-12, Vương quốc Anh thông báo ghi nhận ca tử vong vì biến thể Omicron đầu tiên.
Trong báo cáo kỹ thuật công bố ngày 12/12, WHO cảnh báo cho dù Omicron có yếu hơn Delta, việc biến thể này dễ lây hơn vẫn có thể làm hệ thống y tế quá tải và gia tăng số ca tử vong.
Theo Tuổi trẻ Online