Kể từ khi trở lại học online sau đợt dịch lần thứ 4, các con cũng dần quen và thao tác thành thục hơn với laptop và các phần mềm học trực tuyến. Khác với chị-học qua google meet, cậu em học qua phần mềm zavi. Muốn kết nối phải có số điện thoại và tải zalo về máy tính. Do vậy, dù chưa thật sự cần thiết, tôi cũng phải mua cho con cái sim điện thoại để đăng nhập vào zalo và online. Ban đầu cu cậu cũng lóng ngóng chưa quen với việc học qua nền tảng mạng xã hội. Dần rồi không chỉ con, mà thầy giáo chủ nhiệm và các bạn trong lớp cũng quen.

Ngoài online trực tiếp và mở camera hoặc micro theo yêu cầu của giáo viên để nghe giảng và trả lời, trong mỗi phần mềm học trực tuyến đều có mục chat (tin nhắn). Mục này có thể giúp những bạn không may gặp sự cố về micro có thể nhắn cho các bạn trong lớp hoặc thầy cô giáo biết để không bị đánh vắng hoặc quở trách. Song, qua theo dõi trên nhóm lớp của con thì đa số các cháu chỉ nhắn tin nói chuyện riêng trong giờ học, và rất nhiều trong số đó nói chuyện thiếu nghiêm túc, thậm chí thiếu văn hóa, nói tục, nói bậy.

Ở nhóm zalo của con trai còn có bạn lập ra nhiều nhóm riêng khác chỉ để “tám chuyện” vô thưởng vô phạt, có cháu chỉ nói chuyện trai gái, tán tỉnh, yêu đương. Có những câu tôi đọc còn cảm thấy đỏ mặt, xấu hổ. Bởi các cháu mới chỉ là học sinh tiểu học.

Khi phát hiện sự việc, tôi chụp ảnh màn hình gửi thầy chủ nhiệm để nhắc nhở các cháu, phần khác tôi cũng cho cháu biết là mình đã biết sự việc để cháu không được thêm con tôi vào những nhóm do cháu tạo ra. Tôi cũng nhắn cho phụ huynh của cháu để họ có cách quản lý con mình.

Sau khi nhận phản ánh, thầy chủ nhiệm đã nhắc nhở và răn đe học sinh. Gần đây, tình trạng như vừa nêu không còn, song vẫn có một số bạn khác nhắn tin nói chuyện riêng trong lớp, xao nhãng việc học.

Lớp con gái cũng tương tự, cũng có rất nhiều nhóm được lập và đa số để nói chuyện riêng. Một số cháu thường online rất sớm để nói chuyện trước giờ vào lớp. Con gái tôi cũng kết nối mạng sớm để chờ cô thầy vào dạy, lỡ vào muộn sợ đánh vắng khi điểm danh. Vậy là trưa nào tầm hơn 12h một chút khi con gái bật máy kết nối học trực tuyến là cả nhà tôi lại được dịp nghe những câu chuyện tào lao của bọn trẻ. Nguy hại hơn, chúng còn hùa nhau chê giáo viên này dạy dở, nhận xét giáo viên khác quê mùa, kỳ thị bạn con nhà nghèo... Lúc đầu, tôi cũng không chú ý lắm những câu chuyện đó của bọn trẻ, song càng ngày chúng càng quá đáng, tôi phải quay clip gửi cho cô chủ nhiệm. Tất nhiên, bây giờ tình trạng đó không còn. Những bạn nói bậy đã bị cô phê bình, nhắc nhở trong tiết sinh hoạt lớp và nhắn gửi phụ huynh để giáo dục các cháu, nhưng tình trạng lập nhóm riêng vẫn tiếp diễn. Vì những nhóm này đều do các cháu tự lập, tự quản lý. Nếu không được cho phép thêm thành viên hoặc không có mật khẩu, phụ huynh rất khó kiểm soát.

Đây không chỉ là câu chuyện cá biệt của các con tôi, nhiều bạn bè và đồng nghiệp của tôi cũng thông tin, con cái họ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vì vậy, ngoài thầy cô giáo, phụ huynh nên sâu sát, nhất là phải quản được việc học online của con cũng như các hoạt động của cháu trên nền tảng mạng xã hội trong khi chưa đến trường học trực tiếp. Cách của tôi là tất cả mật khẩu mạng xã hội của con đều do tôi lập và quản lý. Khi con  đăng nhập vào nền tảng mạng xã hội tôi sẽ nhận được thông báo. Từ đó có thể cảnh báo, theo dõi hoặc nhắc nhở cháu không được sa đà vào game, tiktok, zalo, facebook, tin nhắn... Đó cũng là cách giúp con chuyên tâm hơn vào việc học, và tránh được những hệ luỵ xấu từ mạng xã hội.

Linh Đan