Bản tin trưa của VTV1 vừa đưa thông tin về việc người dân và tiểu thương chợ Cồn (Đà Nẵng) ứng dụng dịch vụ Mobile Money (tài khoản điện tử được mở trên điện thoại di động, gọi tắt là MM) trong thanh toán, mua sắm dù chỉ với những loại rau, củ, quả có giá trị khá nhỏ. Chỉ cần tải ứng dụng này về và quét mã QR code là dễ dàng thanh toán không dùng tiền mặt. Đây cũng là cách giúp hạn chế tiếp xúc, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh...

Về mặt tiện ích, nó còn cho thấy những tiến bộ trong công cuộc chuyển đổi số và hướng tới nền kinh tế không dùng tiền mặt không chỉ từ các dịch vụ thường quy, cố định, đột xuất như thanh toán tiền điện nước, các hoá đơn bưu chính viễn thông, học phí, vé máy may, viện phí, dịch vụ ăn uống, mua sắm...

Có thể thấy, công nghệ đã về đến chợ, và sắp tới sẽ về tận làng, tận thôn khi Chính phủ cho phép một số nhà mạng cung cấp dịch vụ MM cho người dân để trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt và ứng dụng thương mại điện tử khi mua sắm, dù là ở chợ hay bất kỳ đâu, chỉ cần có tài khoản điện tử trên điện thoại di động và các điểm chấp nhận thanh toán.

Tại Huế, hiện VNPT Thừa Thiên Huế cũng đã sẵn sàng đưa dịch vụ MM vào hoạt động với 11 điểm giao dịch nạp và rút tiền cho khách hàng. VNPT cũng dự kiến từ đầu năm 2022 sẽ tăng con số nêu trên lên 1.200 điểm ở hơn 1.270 thôn, xóm để phục vụ người dân với gần 14.000 điểm chấp nhận thanh toán.

Rồi đây, người dân nông thôn cũng sẽ “bấm bấm, quẹt quẹt” để trả tiền rau, tiền cá, cũng quét QR code... khi đi chợ, đi mua hàng hóa mà không cần lo quên đem theo tiền mặt. Thói quen này cũng là cách giúp rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Hẳn nhiên, những thao tác này đều phải được sử dụng trên điện thoại thông minh. Mà bây giờ ở quê người ta dùng smartphone nhiều lắm. Người già, người trẻ gì cũng dùng. Mạng intrernet lại phổ biến nên việc ứng dụng MM ra đời sẽ là nền tảng để những công nghệ tiếp theo có cơ sở về làng, về xóm. Như ông anh họ tôi, trước giờ có biết zalo, facebook là gì đâu. Bây giờ sắm được cái smartphone tầm 2-3 triệu đồng là có thể lướt face cả ngày. Tiện là lúc tôi cần nhờ chụp cho cái ảnh sổ hộ khẩu là có ngay lập tức. Trước đây là phải chạy đi phô-tô, rồi nhờ gửi hộ xe buýt. Nhanh thì vài tiếng, chậm có khi cả buổi tôi mới nhận được, dù chỉ cách nhau vài chục ki-lô-mét.

Bây giờ anh còn dùng được ATM, khi cần là chuyển tiền, nhận tiền... cũng “oách lắm chứ”, anh cười giải thích. Tôi lại nói về MM, anh nói chưa thấy nhưng nếu có cũng dùng được thôi.

Anh họ của tôi đã hơn 60 tuổi, cũng chỉ là nông dân bình thường, chứ chẳng phải cán bộ, cũng không được học hành nhiều, song nhờ chịu khó, tiếp cận công nghệ nhanh nên các thao tác trên điện thoại cũng rất chuẩn xác.

Tất nhiên, không phải ai cũng có cơ hội hoặc tiếp cận được các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống, thương mại điện tử, nhất là với người dân nông thôn. Họ luôn quen với những cách thức truyền thống và dễ dàng. Song, nếu tuyên truyền tốt, dịch vụ hay, tiện ích chắc chắn cơ hội là không thiếu. Bởi chuyển đổi số, thương mại điện tử là tất yếu. Bất kỳ lĩnh vực nào cũng buộc phải chuyển đổi số nếu không muốn tụt hậu.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm 90%. Nhiều ngân hàng đạt giao dịch trên 90% trên kênh ngân hàng số. Từ tháng 3 đến cuối tháng 11/2021, đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản được mở theo phương thức mới/hơn 100 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động. Điều đó đã cho thấy, thói quen tiêu dùng của người dân dần thay đổi và thích ứng trong điều kiện mới.

Có thể nói Huế là địa phương tiên phong trong chuyển đổi số. Bắt đầu và hiệu quả từ Hue-S, đến các cơ quan Nhà nước, bây giờ là các doanh nghiệp, đến hợp tác xã khi cho thấy hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ số đã tăng doanh thu từ 20-30% so với cách thức thông thường. Thế nên, sẽ là không thiếu cơ sở khi nói thương mại điện tử sẽ về làng. Và không chỉ là cán bộ, mà nông dân, mà ai cũng có thể ứng dụng công nghệ số trong đời sống, không chỉ với MM.

TÂM HUỆ