Trồng hành ở Hương An (Hương Trà). Ảnh: NGUYỄN PHONG

Kế hoạch này vừa nhấn mạnh đến nội dung tuyên truyền để thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp an toàn. Từ cơ sở sản xuất đến sơ chế, kinh doanh chấm dứt chuyện “sản xuất để ăn với sản xuất để bán”, nhưng mục tiêu “tham vọng” nhất mà tỉnh hướng đến là: “bảo đảm an toàn thực phẩm trong phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm cho 100% các sản phẩm chủ lực trên địa bàn theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Thế sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được xác định là gì? Lục tìm tư liệu, tháng 5 năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành danh mục sản phẩm chủ lực gồm nhiều nhóm, trong đó riêng nhóm trồng trọt và chăn nuôi thấy có 5 sản phẩm được xác định, đó là: Bưởi, thanh trà; lúa, gạo chất lượng cao; rau má tươi, trà rau má; sen Huế; bò, thịt bò.

Tôm là đối tượng nuôi có quy mô rất lớn ở Thừa Thiên Huế, hàng năm đưa lại một giá trị cao so với các nhóm nông nghiệp khác. Mặt hàng này cũng tham gia nhiều vào chế biến xuất khẩu của tỉnh nhưng không hiểu sao không được đưa vào danh mục?

Nuôi tôm đem lại giá trị cao so với một số nhóm nông nghiệp khác

Sản xuất an toàn đang là một xu hướng. Chưa nói đến chuyện xuất khẩu mà đối với người tiêu dùng họ cũng đòi hỏi chất lượng ngày càng khắt khe. Cho nên các sản phẩm sản xuất theo lối hữu cơ luôn luôn được đề cao, sức tiêu thụ tốt mặc dù giá cả, đương nhiên là đắt hơn sản phẩm cùng loại.

Tiêu chuẩn sản xuất an toàn của Việt Nam là Viet GAP, tiêu chuẩn sản xuất an toàn của thế giới là Global GAP, tức là thực hành nông nghiệp tốt. Đối với Việt Nam là thực hành nông nghiệp tốt Việt Nam, đối với thế giới là thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu. Hai tiêu chuẩn nói trên đều tập trung vào việc quản lý chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực cây trồng và chăn nuôi. Cây trồng thì có rau, củ, quả; chăn nuôi thì có gia cầm, gia súc, thủy sản… nói chung là lĩnh vực nông nghiệp. Tiêu chuẩn GlobalGAP chứng tỏ rằng thực phẩm được sản xuất theo cách giảm thiểu các tác động môi trường có hại của hoạt động canh tác, giảm sử dụng hóa chất đầu vào và đảm bảo cách tiếp cận có trách nhiệm đối với sức khỏe và an toàn của người lao động cũng như quyền lợi của động vật. Tóm lại, chuẩn “GAP” là sản xuất an toàn, truy xuất được nguồn gốc; không làm ảnh hưởng đến môi trường (kể cả đảm bảo phúc lợi của động vật, phúc lợi của nhân viên làm việc).

Muốn “GAP - Thực hành nông nghiệp tốt” được thì phải có tổ chức có chức năng đánh giá và cấp giấy công nhận chứ không phải “nói miệng” là được. Đã nhận được xác nhận GAP rồi là rất thuận lợi trong tiêu thụ hàng hóa, kể cả hàng xuất khẩu.

Thực hành nông nghiệp tốt là một nhu cầu và đòi hỏi chính đáng mang tính toàn cầu. Nhưng để đạt được không hề dễ dàng chút nào. Với một nền nông nghiệp như ở Việt Nam thì để đạt được chứng nhận đã rất khó. Ví dụ như chuẩn “giảm sử dụng hóa chất đầu vào”, chúng ta đã thấy khó. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021, cả nước đã nhập khẩu nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật lên đến 650 triệu USD và Việt Nam được cho là một trong những nước thuộc diện cao trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Biết là khó nhưng cũng phải làm, vì đây là đòi hỏi của xã hội và thị trường. Không làm thì không bao giờ chúng ta đi đến đích được. Đối với việc thực hành nông nghiệp tốt ở Thừa Thiên Huế, muốn thực hiện được điều này, phải tổ chức lại sản xuất. Vì cách sản xuất theo hộ gia đình như hiện tại thì ai có thể đi đánh giá để cấp chứng nhận!? Ít nhất nó phải quy tụ lại thành vùng, thành một tổ chức (ví dụ như hợp tác xã). Chẳng hạn như ở Thừa Thiên Huế có nhiều vùng trồng thanh trà nhưng nổi tiếng là Thủy Biều. Vùng cam thì có cam Nam Đông; rau má thì có rau má Quảng Thọ; chăn nuôi thì có bò A Lưới; trồng lúa hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học thì có Quế Lâm… Thanh trà Thủy Biều, rau má Quảng Thọ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể. Đây cũng là một bước tiến bộ để xây dựng thương hiệu. Nhưng để được chứng nhận GAP thì còn nhiều việc phải làm. Ví dụ như trồng cam ở Nam Đông, họ đâu có thể đi từng gia đình hỏi anh có lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không; có lạm dụng các chất hóa học không; nuôi bò ở A Lưới phương thức nuôi thế nào, muốn truy xuất nguồn gốc xuất xứ thức ăn thì làm sao biết được… Cho nên, ít nhất là cũng phải tập hợp lại, làm theo các tiêu chuẩn đồng nhất. Nuôi an toàn là nuôi thế nào? thức ăn nước uống, thuốc phòng, chữa bệnh ra sao; rồi sản phẩm làm ra sơ chế (hoặc chế biến ra sao) có đảm bảo an toàn không…

Muốn có được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt thường là các doanh nghiệp mới có đủ điều kiện để làm và ngày càng nhiều doanh nghiệp xây dựng quy trình và sản xuất theo hướng này. Đối với nông nghiệp Thừa Thiên Huế, thiết nghĩ, sản xuất đạt tiêu chuẩn Viet GAP đã là một sự nỗ̉ lực. Mà muốn đạt chuẩn VietGAP nhất thiết cũng phải tổ chức lại sản xuất; từ những tổ chức sản xuất quy mô vừa rồi nhân rộng ra.

Bài: NGUYỄN LÊ AN - Ảnh: HOÀNG PHƯỚC