ThS. BS CKII. Phan Đăng Tâm

Ông Phan Đăng Tâm dẫn số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở cho thấy, năm 2019 bình quân mỗi phụ nữ Thừa Thiên Huế sinh 2,34 con. Thừa Thiên Huế thuộc nhóm 33 địa phương có tổng tỷ suất sinh cao hơn mức sinh thay thế và đang có xu hướng tăng. Năm 2021, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Một số địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, như: A Lưới: 28,5%; Nam Đông: 21,2%; Phong Điền: 20,5% và Quảng Điền: 18,6%...

Ông nghĩ như thế nào khi nhiều người cho rằng do chính sách dân số hiện nay không đủ sức răn đe đến người sinh con thứ 3 trở lên, nên công tác dân số gặp nhiều khó khăn?

Nhìn chung, đa số người dân chấp nhận mô hình gia đình ít con. Đó là kết quả của quá trình đẩy mạnh công tác truyền thông, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ và có các biện pháp chế tài. Tuy nhiên, hiện nay các biện pháp chế tài được nới lỏng hơn nên một số cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số. Năm 2020, toàn tỉnh có 157 cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số. Trong 9 tháng đầu năm 2021, đã có 115 trường hợp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ; trong đó, có 17 trường hợp (cán bộ, đảng viên), 94 trường hợp vi phạm sinh con thứ 3, 3 trường hợp vi phạm sinh con thứ 4 và 1 trường hợp sinh con thứ 5. Số cán bộ, đảng viên vi phạm chiếm tỷ trọng không cao nhưng đã tác động rất lớn đến công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách dân số.

Đâu là nguyên nhân khiến công tác DS-KHHHGĐ gặp khó khăn hơn?

Công tác dân số đang gặp nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao và gia tăng ở một đơn vị, địa phương. Điều này chủ yếu là do chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, do tâm lý, phong tục tập quán mong muốn được sinh con trai để nói dõi tông đường và tư tưởng muốn có đông con còn ăn sâu trong tâm lý của người dân. Bên cạnh đó, nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở nhận thức chưa đầy đủ, đúng mức về tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ; các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục về chính sách DS-KHHGĐ ở một số nơi còn bị xem nhẹ, biện pháp chế tài xử lý người vi phạm về sinh con thứ 3 trở lên chưa đủ sức thuyết phục… đã dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 trở lên gia tăng ở một số địa phương.

Truyền thông về sức khỏe sinh sản cho thanh niên Hương Thủy. Ảnh: CHI CỤC DS-KHHGĐ

Theo tôi, những quy định hiện hành chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý, răn đe những trường hợp là công chức, viên chức, người lao động vi phạm chính sách dân số. Luật Dân số chưa được ban hành, trong khi Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức của Chính phủ đã quy định các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về dân số thì bị xử lý bằng hình thức khiển trách. Tuy vậy, quy định này cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nên các địa phương chưa áp dụng được. Với cá nhân khi vi phạm chính sách DS-KHHGĐ thì bị xử lý theo quy định của hương ước, quy ước văn hóa nơi cư trú và còn phải chịu các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ không cho phép các địa phương đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền và phạt vật chất khi xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

Có nhiều lý do để người ta giải thích cho việc sinh con thứ 3 trở lên. Theo ông, lý do nào hay gặp nhất ở các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên ở tỉnh ta?

Đó là do tập quán, tâm lý phải có con trai và muốn có đông con. Những năm gần đây, có hiện tượng nhiều gia đình muốn sinh thêm con và số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ có chiều hướng gia tăng. Cùng với đó, một số chính sách mới ban hành có điều chỉnh, bổ sung và "nới lỏng" một số quy định trong chính sách DS-KHHGĐ khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân hiểu sai hoặc cố tình “lách luật” để sinh thêm con… Những nguyên nhân khách quan đó khiến tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng đều trong những năm trở lại đây.

Theo ông, làm thế nào để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên?

Do địa phương có mức sinh cao và phải phấn đấu đạt mức sinh thay thế vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW, nên chúng ta phải thực hiện đồng thời “mục tiêu kép” vừa nâng cao chất lượng dân số, vừa thực hiện mục tiêu giảm sinh; trong đó, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên là yêu cầu rất quan trọng. Chi cục DS-KHHGĐ - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ, đã thường xuyên thực hiện hoạt động truyền thông, vận động, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của các tầng lớp Nhân dân trong việc thực hiện chính sách chính sách DS-KHHGĐ. Chúng tôi đã, đang và cũng sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông về DS-KHHGĐ nhằm thực hiện tốt hơn nữa các mục tiêu giảm sinh và giảm sinh con thứ 3 trở lên; ưu tiên cho những vùng có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Đồng thời, xây dựng nhiều mô hình như “Xã, phường, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên”, lồng ghép với việc đưa chính sách DS-KHHGĐ vào hương ước, quy ước; triển khai Chiến dịch truyền thồng lồng ghép cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ…

Mục tiêu của Thừa Thiên Huế từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý và tiếp tục thực hiện giảm mức sinh. Tỉnh cần giải pháp căn cơ nào để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này?

Theo tôi, trước mắt chúng ta cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác DS-KHHGĐ trong việc ban hành các chính sách, đầu tư nguồn lực để giải quyết có hiệu quả các mục tiêu chính sách DS-KHHGĐ, nhất là tập trung nhằm ổn định mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Khắc phục triệt để tư tưởng chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là ở những nơi kết quả thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ còn thấp. Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm chính sách dân số gắn với xếp loại công nhận các danh hiệu thi đua. Đây sẽ là những giải pháp có ý nghĩa quyết định đến việc giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên truyền thông, vận động, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của các tầng lớp Nhân dân, tạo thành phong trào toàn dân hưởng ứng thực hiện chính sách DS-KHHGĐ một cách bền vững..

Xin cảm ơn ông!

ĐỒNG VĂN (Thực hiện)