Nguồn thu từ di sản vẫn chưa tương xứng với tiềm năng

Trong 6 lĩnh vực áp dụng cơ chế đặc thù thì nói cho cùng, Quốc hội ưu tiên thí điểm những chính sách này để giải bài toán phát triển kinh tế.

Định hướng của tỉnh trong cơ cấu kinh tế, du lịch vẫn là mũi nhọn. Hiện, không phủ nhận ngành du lịch đang có sự phát triển, tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận, vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng hiện có. Đặc biệt, khi Cố đô đang là một trong những vùng đất di sản đặc trưng nhất của cả nước.

Không phải bây giờ mà từ lâu, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Nhiều giải pháp được đặt ra, áp dụng cho thấy công tác bảo tồn phần nào được ưu tiên hơn là việc phát triển. Điều này dễ hiểu bởi di sản không chỉ là lịch sử, hiện tại mà còn là tương lai của Huế. Trung ương “chú ý”  đến Huế cũng bởi di sản.

Di sản là nguồn lực lớn để phát triển kinh tế địa phương. Việc tận dụng thế mạnh này để khai thác tốt giá trị kinh tế của di sản rất quan trọng. Kinh tế di sản là những giá trị sử dụng và giá trị không sử dụng. Chính những lợi ích thu được từ việc sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp một di sản tạo nên giá trị sử dụng. Vì sao Huế có kho tàng di sản, nhưng giá trị kinh tế di sản thu được lại không tương xứng là câu hỏi cần giải quyết.

30 năm trước, Thủ đô Seoul của Hàn Quốc đứng trước mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển đô thị, nhưng họ đã giải quyết mối quan hệ này với hướng phát triển lấy hạt nhân di sản thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Cụ thể, thành công trong việc bảo tồn và phục hồi Hanok - kiểu nhà truyền thống của Hàn Quốc mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và lịch sử to lớn. Trước đó, trong vòng nửa thế kỷ, 90% số lượng Hanok bị phá hủy tạo ra mối lo ngại rằng, Thủ đô của Hàn Quốc sẽ thiếu bản sắc lịch sử. Trải qua nhiều khó khăn, tái thiết Hanok dựa vào cộng đồng dân cư đã giúp phục hưng ngành xây dựng Hanok truyền thống; giá trị bất động sản cũng tăng gấp nhiều lần; các quận Hanok trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn để trải nghiệm văn hóa và kiến trúc đặc sắc của Hàn Quốc…

Ở Việt Nam, phố cổ Hội An là điển hình thành công của định hướng đưa di sản trở về với cộng đồng, thu hút khách du lịch, tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.

Nguồn thu từ di sản vẫn chưa tương xứng với tiềm năng

Những dẫn chứng trên cho thấy, du lịch chỉ phát triển bền vững khi tạo lập mối quan hệ hữu cơ về lợi ích với cộng đồng cư dân và các ngành kinh tế dịch vụ ở địa phương.

Thừa Thiên Huế có gần 1.000 di tích được kiểm kê, trong đó có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng; Huế có phố cổ Bao Vinh với những ngôi nhà kiến trúc truyền thống độc đáo; hệ thống nhà vườn là một di sản đặc trưng… Chính quyền cũng có những giải pháp căn cơ trong việc thiết lập các quy định bảo tồn, tập trung nguồn lực để trùng tu, bảo tồn một số công trình kiến trúc trọng điểm; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa di sản; tiến hành kiểm kê, số hóa, lập hồ sơ cho hệ thống di sản; phát triển các ngành kinh tế, loại hình ngành nghề phục vụ cho hoạt động văn hóa… việc bảo tồn cơ bản đi đúng hướng, song, khai khác di sản vào mục đích du lịch chưa được đầu tư phù hợp, xứng tầm. Ngoài nguồn thu bán vé tham quan di tích thì dường như Huế chưa có một giải pháp tạo nguồn thu nào bền vững.  Ngay cả Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” cũng gặp khó khăn, nhiều chủ nhà vườn từ chối…

Sau bảo tồn buộc phải phát triển kinh tế từ di sản. Thực tiễn đã chứng minh vị trí hết sức quan trọng của công cuộc khai thác những giá trị đặc sắc của các di sản thiên nhiên và văn hóa, cả di sản vật thể và các di sản văn hóa phi vật thể trên bình diện quốc tế cũng như trong nước, mà việc tổ chức quản lý khái thác quần thể di tích Cố đô Huế là hình mẫu nổi bật. Kinh tế di sản chính là để khuyến khích và đề cao các hoạt động tổ chức khai thác những giá trị đặc sắc của các di sản với tư cách là nguồn tài nguyên du lịch đặc biệt để phát triển du lịch bền vững. Văn hóa và du lịch của kinh tế di sản sẽ tạo điều kiện khai thác có hiệu quả lại các di sản với tư cách là tài nguyên du lịch.

Trong một lần trò chuyện, ông Gavin Herholtd, Tổng giám đốc Công ty TNHH Laguna Việt Nam chia sẻ, văn hóa và lịch sử của Huế là yếu tố then chốt để thu hút khách đến miền Trung. Mở rộng đô thị Huế sẽ nâng cao vị thế của các di tích lịch sử. Việc mở ra một khu di tích được tổ chức tốt, nhận diện tốt và thân thiện với du khách sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển lượng khách du lịch trong tương lai.

Bây giờ, Nghị quyết của Quốc hội cho phép ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách Nhà nước; cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế hy vọng gỡ “nút thắt” trong việc tạo ra hiệu quả từ kinh tế di sản cho Huế trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Lê Thọ