Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh tại điểm cầu Thừa Thiên Huế
Dự họp tại đầu cầu Thừa Thiên Huế có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 9-15/12 cả nước ghi nhận thêm 106.918 ca mắc mới (64.723 ca cộng đồng, chiếm 60,5% số mắc mới). Trong đó, khu vực miền Nam ghi nhận 71,2% ca mắc mới trong cộng đồng; miền Bắc 12%; miền Trung 15,6% và Tây Nguyên 1,1%. So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng tăng 15,1%, số ca khỏi bệnh tăng 66,5%, số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tăng 8,3%, số ca nặng, nguy kịch tăng 16,2%...
Tại Thừa Thiên Huế, tính đến nay, toàn tỉnh có 8.000 ca F0 (cả số bệnh nhân nơi khác chuyển đến bệnh viện Trung ương Huế điều trị). Hiện đang điều trị 2.789 ca; đã điều trị khỏi 5.200; tử vong 11 ca (trong đó có 4 ca bệnh nặng từ các tỉnh khác chuyển đến; các trường hợp tử vong đều do già yếu, bệnh nền).
Đến nay, tỉnh được phân bổ 1.656.454 liều vắc xin các loại; đã tiêm 1.502.085 liều, lũy kế người tiêm 1 mũi là 849.052, lũy kế số người đã tiêm 2 mũi là 653.033. Hiện còn khoảng 218.675 liều vắc xin chưa tiêm.
Bộ Y tế nhận định, đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng tiếp tục có xu hướng gia tăng do các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu đi lại bình thường; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh; có tâm lý chủ quan trong người dân, không thực hiện quy định 5K về phòng, chống dịch...
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, phân tích, cơ bản nhất trí với nhận định về tình hình và nguyên nhân khiến số ca mắc cộng đồng tiếp tục tăng, trong đó nhấn mạnh nguy cơ dịch lây lan mạnh nếu biến chủng virus Omicron xâm nhập và vào dịp nghỉ lễ sắp tới.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết 128/NQ-CP cần tiếp tục được thực hiện; việc phòng, chống dịch phải theo 3 trụ cột chính (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”. Tuy nhiên, việc áp dụng cần linh hoạt, sáng tạo theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình (giữa) kiểm tra công tác phòng chống dịch qua tuyến QL1A huyện Phú Lộc
“Mục tiêu cần nhất hiện nay là phải hạn chế tối đa số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, ca chuyển nặng và tử vong. Do đó, yêu cầu các biện pháp phòng, chống dịch cần được thực hiện như hướng dẫn; chống dịch bệnh xâm nhập, lây lan, nhất là tại địa bàn tập trung đông khu công nghiệp, các đô thị lớn; rà soát, xem xét lại cách chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Để giảm các ca mắc COVID-19 chuyển nặng, Thủ tướng chỉ đạo phải tăng cường năng lực của y tế cơ sở để người bệnh được tiếp cận từ sớm, từ xa; kết hợp với công tác xét nghiệm tầm soát; không để xảy ra tình trạng người dân phải gọi điện nhiều lần mới tiếp cận được y tế; đảm bảo đủ dinh dưỡng, thuốc điều trị, động viên tinh thần, kết hợp đông - tây y để chữa trị cho người bệnh.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong phòng chống dịch nói chung, vấn đề vaccine là cốt lõi. Do đó, phải thần tốc tiêm vaccine cho người dân, phấn đấu đến 31/12/2021 hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên; đến hết tháng 1/2022 tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm cung ứng đủ vaccine và vật tư, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương tổ chức tiêm; các địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, tổ chức các tổ lưu động tiêm vaccine cho người dân; tuyên truyền, hướng dẫn và có quy định, chế tài đối với những người cố tình không tiêm vaccine. Nếu thiếu vaccine thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm; nếu không hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine cho người dân thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm.
Tin, ảnh: Thái Bình