Mỗi ngày có trên 4 nghìn xe chở hàng hóa, chủ yếu là hàng nông sản đang ùn ứ ở cửa khẩu Lạng Sơn chờ xuất khẩu sang Trung Quốc… là tình trạng đã kéo dài nhiều ngày qua, khiến cả chủ hàng lẫn lái xe đều khốn đốn, bởi không chỉ tốn kém chi phí mà còn nguy cơ hàng hóa hư hỏng, đổ bỏ mất cả chì lẫn chài. Hệ lụy, người nông dân chịu thiệt thòi khi giá cả giảm sút, sản phẩm không tiêu thụ được.

Trước hết, không thể phủ nhận Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng nông sản lớn nhất của nước ta. Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 11 tháng năm 2021 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 1,8 tỷ USD, chiếm 50% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam (theo Báo Lao Động).

 Ngoài xuất khẩu bằng đường biển thì đường bộ cũng là sự lựa chọn hợp lý khi thời gian vận chuyển ngắn, yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa không khắt khe, phù hợp với những đơn hàng nhỏ lẻ đi theo con đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, phương thức xuất khẩu này lệ thuộc rất nhiều vào sự “nóng, lạnh” của thị trường; mối quan hệ giữa các thương nhân không có gì ràng buộc và thương lái Việt luôn là người “nắm đằng lưỡi”

Với phương thức xuất khẩu chính ngạch, giữa các bên bán và mua có hợp đồng, quy định rõ chất lượng, giá cả sản phẩm, thời gian giao hàng, thời gian thanh toán và cả các điều khoản xử lý vi phạm hợp đồng… Phương thức xuất khẩu này, hai bên đều bình đẳng, không ai phải “nắm đằng lưỡi”. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những quy định nghiêm ngặt về chất lượng, số lượng sản phẩm. Tùy theo mỗi thị trường mà có các yêu cầu khác nhau, nhưng tóm lại phải sản xuất quy mô lớn, mang tính hàng hóa, tuân thủ các quy trình sản xuất an toàn, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm; có thương hiệu, nhãn mác, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Thực tế sản xuất nông nghiệp ở ta hiện nay, đa phần nông dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tiêu thụ nội địa. Ngay cả việc đưa vào kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị hay sàn thương mại điện tử, nhiều nông sản cũng gặp khó khi chưa xây dựng được thương hiệu, thậm chí nhãn mác cũng không có. Nông sản của người nông dân chỉ quanh quẩn chợ làng, chợ huyện. Khi nhiều người cùng sản xuất hay vào chính vụ là điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ lặp đi lặp lại.

Một chuyển động đáng mừng, gần đây cùng với sự quan tâm tạo điều kiện của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và hướng đến xuất khẩu. Nông dân một số vùng chuyên canh rau quả, cây ăn trái đã mạnh dạn đầu tư sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên đã vươn tới những thị trường khó tính như thanh long, vải, vú sữa, rau sạch…

Ngay với Thừa Thiên Huế, một số doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông, thủy sản như Tập đoàn Quế Lâm, Công ty CP Vật tư nông nghiệp… Các mối liên kết đã khẳng định tính ưu việt, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị nông, thủy sản. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào doanh nghiệp khó có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nhận thức, tổ chức sản xuất ở nông thôn hiện nay. Còn để người nông dân tự xoay xở thì rất ít nông dân có đủ tiềm lực, kiến thức chuyển đổi sang quy trình sản xuất mới.

Nhân tố cần phát huy hiện nay chính là các hợp tác xã nông nghiệp (HTX). Đây là tổ chức kinh tế gần dân nhất, hiểu dân nhất và chính nông dân là chủ nên có nhiều thuận lợi trong tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Sau khi chuyển đổi mô hình theo Luật Hợp tác xã mới, các HTX có điều kiện và chủ động hơn trong tổ chức sản xuất. Từ chỗ làm dịch vụ cho xã viên, các HTX vươn ra liên kết với các doanh nghiệp hay tự tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện một số hợp tác trên địa bàn tỉnh đã làm được điều này, khi xây dựng được thương hiệu sản phẩm như gạo, rau má, thịt lợn… Nếu phát huy tốt vai trò “bà đỡ” của các HTX, sẽ tạo bước chuyển nhanh chóng trong sản xuất hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu.

Hoàng Minh