Được khởi công vào năm 1909 và hoàn thành xây dựng 2 năm sau đó, Nhà máy nước Vạn Niên 1 là một trong số những công trình kinh tế và dân sinh đầu tiên ở Huế dưới thời thuộc địa. Kiến trúc sư tài ba Brossard thiết kế nhà máy giống như một cái chùa và theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, là để cái nhà máy của phương Tây hài hòa với cảnh quan khu vực lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh của phương Đông.

Nhà máy xi măng Long Thọ đã di dời về cụm công nghiệp Thủy Phương

Nhà máy có dáng hình ngôi chùa kia quá tuổi, đáng vui đã được giữ lại khi vào năm 2020, UBND tỉnh ban hành quyết định đầu tư dự án “Nhà máy xử lý nước sạch Vạn Niên công suất 120.000m3/ngày đêm” (Vạn Niên 3) ở hạng mục Bảo tàng nước. Nếu không có gì trở ngại thì tới đây, Huế sẽ có bảo tàng nước đầu tiên ở Việt Nam. Nằm cạnh sông Hương và kết nối với nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng của Huế, bảo tàng trưng bày cổ vật, công nghệ xử lý nước và các tư liệu, hiện vật lịch sử liên quan đến công trình kiến trúc độc đáo này.

Cuối năm 2020, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức tọa đàm “Chuyển đổi di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo”. Vấn đề đặt ra đối với Hà Nội (và cũng là của cả nước) là nhiều nhà máy nội đô thường được xem là thứ cũ kỹ, cần giải tỏa. Tuy nhiên, theo nhiều kiến trúc sư, ở đó lại hàm chứa giá trị lịch sử, kiến trúc, khoa học, ký ức… cần được lưu giữ để kể câu chuyện về văn minh công nghiệp của thành phố, của đất nước. Vậy nên, phải chuyển đổi công năng, biến các công trình này trở thành không gian công cộng, không gian sáng tạo để Hà Nội thành thành phố đáng sống hơn.

Tôi thích thú với cách đặt vấn đề của người Hà Nội. Nhắc tới nhiều cơ sở công nghiệp một thời của Thủ đô, như Nhà máy xe lửa Gia Lâm hay Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, kiến trúc sư Nguyễn Thái Huyền cho rằng, khi di dời đã tạo cảm hứng cho các kiến trúc sư sáng tạo không gian mới theo hướng gìn giữ các giá trị văn hóa, phát triển các không gian có tính sáng tạo... để phục vụ cho mục đích công cộng. Với ý tưởng đó, người Hà Nội không chỉ nhìn thấy những giá trị đang có nguy cơ biến mất mà còn hướng đến hình thành những giá trị mới đặc sắc.

Nhà máy nước Vạn Niên 1

Thật tuyệt vời khi một nhà máy xưa cũ đã “nghỉ hưu” được sống lại trong hình hài của một bảo tàng. Tôi đặc biệt ấn tượng với cách ứng xử của HueWACO nói riêng và người Huế nói chung đối với một cơ sở công nghiệp không còn giá trị hoạt động, nhưng lại có giá trị lịch sử đặc sắc như Nhà máy nước Vạn Niên 1. Tôi cũng đang chờ đợi, sau nhiều năm “án binh bất động” đến đầu năm 2021 này, Nhà máy xi măng Long Thọ được dời về cụm công nghiệp Thủy Phương (thị xã Hương Thủy), không gian xưa sẽ được xử lý sao đây. Không quá bề thế, nhưng qua hơn một trăm năm tồn tại và phát triển, xi măng (đúng hơn là vôi thủy) Long Thọ đã một phần xác hồn của Cố đô. Khách xa và cả người Huế nữa hoài niệm, luôn muốn nhìn thấy một hình hài mới nơi không gian này.

Huế không có nhiều cơ sở công nghiệp như Hà Nội, Sài Gòn hay nhiều đô thị lớn. Thế nhưng, với bảo tàng nước từ Nhà máy nước Vạn Niên 1, người Huế đã có một cách làm hay và ứng xử rất văn hóa. Còn đã đến lúc, Huế cần học tập Hà Nội trong ý tưởng xây dựng những không gian sáng tạo theo hướng gìn giữ các giá trị văn hóa, kiến trúc, lịch sử... để phục vụ cho các mục đích cộng đồng cho cả một hệ thống các cơ sở kinh tế một thời vang bóng. Danh sách đó có thể mở rộng chứ không phải chỉ bó hẹp là các cơ sở công nghiệp. Đó là câu chuyện dành cho một thành phố văn hóa du lịch như Huế.

Bài: ĐAN DUY - Ảnh: HOÀNG PHƯỚC - TUẤN KIỆT