Một mảng thông của núi Ngự Bình sau nhiều năm bị cháy vẫn chưa thể hồi phục
Bây giờ là mùa mưa, không đáng lo lắm. Nhưng vào mùa nắng nóng, mùa gió phơn, lớp rác thông ấy vô tình chỉ cần dính một tàn lửa là xem như thảm họa. “Thứ này nó mà bắt lửa là bùng cháy như xăng, và những cánh rừng thông quanh đây sẽ làm mồi cho bà hỏa là điều khó tránh!”- Ông anh họ tôi nhận xét.
Thực ra chẳng cần anh nhận xét hay cảnh báo thì Huế tôi cũng đã nhiều lần ngấm đòn cháy rừng do người đi viếng mộ thắp nhang, đốt vàng mã sơ ý để lửa bén vào rác thông; hoặc là do đạn lân tinh sót lại phát nổ vì nắng nóng gây nên cháy rừng rồi. Thậm chí, rác thông còn “tạo điều kiện” để một số người xấu tính, cạn suy nghĩ, sau khi có hành vi lấn chiếm đất rừng hoặc lén chặt hạ cây cối, bị bắt phạt, xử lý đã tìm cách… trả thù bằng việc lợi dụng lớp rác thông khô dày để gài mồi lửa cháy chậm, sau đó lẩn đi, khi lửa bùng cháy xem như họ “ngoại phạm”, cơ quan chức năng không thể truy xét, bắt tội (!). Chứng tích bây chừ vẫn còn rành rành ở ngọn núi thiêng Ngự Bình hay các sườn đồi chung quanh đó, không cần kiếm tìm đâu xa.
Xót rừng và lo cho rừng, nhất là các ngọn đồi thông đẹp như tranh vẽ của Huế, đôi lúc tôi đã tẩn mẩn ngồi mơ, giá như thời gian quay trở về… vài ba chục năm trước, thì nỗi lo cháy rừng, sự thiệt hại của các đồi thông xứ Huế đã được tiết giảm rất nhiều. Tại sao? Là bởi lúc ấy kinh tế khó khăn, chất đốt bằng củi còn là thứ xa xỉ, người ta phải tận dụng vỏ trấu, mạt cưa, và rùng rùng kéo nhau lên phía các ngọn đồi phía tây để cào rác thông về đun. Cào cần mẫn, cào triệt để, các ngọn đồi sạch boong, rác thông đâu làm mồi mà bắt lửa, mà cháy rừng? Tất nhiên, đó là nghĩ vẩn vơ cho vui vậy thôi, chứ nếu vì mấy cái rác thông mà “trở lại ngày xưa” thì tào lao quá thể.
Nhưng để hạn chế cháy rừng vì rác thông dễ bắt lửa, dễ dẫn cháy, ngoài việc cảnh báo, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác khi đi viếng mộ vào mùa nắng nóng, có thể có một cách nữa hơi phong trào là tổ chức cho tuổi trẻ và bà con cư dân sống ở những khu vực ven rừng thông thỉnh thoảng ra quân thu dọn rác thông để làm giãn ra xa độ tiếp giáp giữa rác thông với khu dân cư, với các khu nghĩa trang. Như thế sẽ hạn chế được tình trạng rác thông bắt lửa bùng cháy do bị tàn lửa từ nhang (hương), vàng mã, hay người dân đốt rác vô tình bị gió thổi vướng vào. Còn về lâu dài và bền vững? Giá như có một tác giả, nhóm tác giả nào đó để tâm nghiên cứu, tìm ra giải pháp nào đó ứng dụng rác thông vào thực tế sản xuất kinh doanh, sáng chế sản phẩm từ rác thông… thì rất tuyệt vời.
Ở Thừa Thiên Huế, hàng năm vẫn có nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều sáng kiến kinh nghiệm được đầu tư, được trao giải thưởng, nhưng mong hoài vẫn chưa thấy đề tài nào cho rác thông. Nếu có, theo chúng tôi, đề tài này rất đáng để hoan nghênh, tưởng thưởng.
Một lần, vô tình gặp anh Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế tại đồi thông Vọng Cảnh khi 2 anh em ai cũng đang đi thể dục buổi sáng. Chúng tôi đã trao đổi một chút về đề tài này và tìm thấy sự đồng cảm với nhau. Anh Định bảo, lãnh đạo tỉnh, thành phố cũng đã rất trăn trở, và cũng có người từng đề xuất ý tưởng dùng rác thông để sản xuất hương thắp, nhưng chưa khả thi. “Phải nghiên cứu để từ rác thông có thể sản xuất ra sản phẩm và thu được tiền, câu chuyện rác thông mới có lối thoát bền vững” - Bí thư Thành ủy Phan Thiên Định bày tỏ. Được như thế thì nhất, nhưng ai sẽ sẵn lòng nghiên cứu vẫn là câu hỏi đang còn bỏ ngỏ. Giới khoa học của Huế có ai nghĩ, có ai tiên phong dấn thân cho đề tài ý nghĩa này chăng?...
Bài, ảnh: Diên Thống