Mô hình trồng bắp hữu cơ của tập đoàn Quế Lâm

Đề án có mục tiêu xác định các vùng sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo ra các sản phẩm có giá trị mang dấu ấn của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Xây dựng chính sách cụ thể; Xây dựng cơ chế để khuyến khích thực hiện; Xây dựng các mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, tạo các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

Vai trò, vị trí của nông nghiệp theo hướng xanh cũng là nông nghiệp hữu cơ. Nền nông nghiệp này ít phát thải, không gây ô nhiễm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi nói bền vững thì không thể không tích hợp trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đối với sự phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Làm sao tạo ra được hiệu quả cân bằng, ổn định trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội và môi trường đó chính là đích đến quan trọng.

Thực tế chứng minh khát vọng xanh, bền vững của Huế chính là sự hiện hữu của Tập đoàn Quế Lâm (Quế Lâm) với việc ra mắt Dự án tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học “Farm - Food - Feed – Fertilizer” (4F) - mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tiên tiến nhất lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam (Lễ ra mắt được tổ chức ngày 18/07/2020, trên diện tích 15 ha với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng) ở cố đô Huế. Tổ hợp 4F không chỉ để phục vụ cho hoạt động sản xuất, chăn nuôi mà quan trọng hơn nơi đây sẽ trở thành một mô hình kiểu mẫu về chăn nuôi hữu cơ vi sinh để các nông hộ và những thành phần khác tham quan, học hỏi và nhân rộng, cùng chung tay góp sức phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam theo hướng hữu cơ vi sinh, an toàn, bền vững.

Từ 7/2020- 7/2021, dự án 4F đã sản xuất được 2.200 con heo giống và heo thịt/ tổng số 100 con heo nái. Tổng đàn quản lý và chuyển giao công nghệ sản xuất chăn nuôi cho nông hộ trên phạm vi toàn tỉnh (từ vùng cao A Lưới cho đến vùng biển), trên 50 hộ với 3.500 con lợn thịt, 450 con heo nái các loại từ lợn lai đến lợn siêu nạc và tất cả đều sinh sản và phát triển tốt trong điều kiện dịch bệnh đang hoành hành.

Nhìn lại 20 năm hình thành và phát triển mới thấy tiềm năng, thế mạnh tiên phong đáng trân trọng của Quế Lâm trên các phương diện sản xuất, kinh doanh, hợp tác, kí kết, nghiên cứu, chuyển giao quy trình, công nghệ với các đối tác lớn trong nước, với các địa phương ba miền Bắc - Trung - Nam và vươn tầm quốc tế trong phân phối, tiêu thụ sản phẩm (Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ,…). Mạng lưới ngày càng lớn mạnh, có 13 công ty thành viên; 250 nhà phân phối cấp 1, hơn 2.000 đại lý cấp 2, cấp 3; có hệ thống khách hàng, đối tác lớn; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ được Bộ NN & PTNT nhân rộng trên khắp cả nước; phát triển nông hữu cơ với nhiều địa phương trong cả nước và nhiều mối quan hệ hợp tác khác. Với tiềm lực, vị thế của Quế Lâm, tin rằng sẽ còn bước tiến mới vững chắc trên con đường nông nghiệp hữu cơ – tuần hoàn.

Tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội, khi bàn về tái cơ cấu nền kinh tế đất nước, một lần nữa, Quốc hội đã nhận định rằng trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế nông nghiệp trở thành bệ đỡ của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong tiến trình thích ứng bình thường mới, tái cơ cấu nền nông nghiệp trở nên cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, ở mọi địa phương trong cả toàn quốc.

Dĩ nhiên, công nghệ cao, công nghệ xanh đã và đang có mặt tại Cố đô không chỉ Quế Lâm nhưng khi đặt trong sự đối sánh giữa hiện thực hoạt động nông nghiệp hữu cơ của Quế Lâm với mục tiêu, hiệu quả hướng đến trong Đề án phát triển nông nghiệp xanh, bền vững của Thừa Thiên Huế, ta thấy hiện lên như là những chỉnh thể của nhau, tương thích, tương hợp. Kế hoạch năm 2022 của Quế Lâm tại Huế, cùng với việc duy trì các chương trình sản xuất từ các năm trước là “Tuyển chọn và lai tạo 500 lợn nái có chất lượng các loại; phát triển sản phẩm thịt “Lợn Ngự”; Xây dựng vùng giống cây thanh trà đầu dòng”…

Để tiếp tục giải quyết tốt mối quan hệ Nhà nước - thị trường - xã hội (ở phạm vi hẹp Nhà nước – doanh nghiệp – người dân), cần thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh theo Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, nhất là việc hỗ trợ hạ tầng chăn nuôi, đầu vào sản xuất, nguyên liệu kĩ thuật, chứng nhận, bảo dưỡng hạ tầng chế biến, chế xuất cho nông dân... Điều này, cũng sẽ góp phần thiết thực thực hiện thành công Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Nguyễn Thị Sửu

 Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH