Hội nghị được xem là bước khởi đầu chuẩn bị cho các hoạt động mang tính khoa học về chủ đề này sẽ được tổ chức trong thời gian tới
Theo TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, Phật giáo có lịch sử ra đời sớm ở vùng đất Huế, đặc biệt từ đầu thế kỷ XIV, Phật giáo được các vị vua Trần chú trọng phát triển ở 2 châu Ô, Lý sau này là châu Thuận, châu Hóa gia nhập vào lãnh thổ Đại Việt, tiếp đó là những đợt di dân từ thời Hồ, Lê về sau.
Từ khi chúa Nguyễn Hoàng đặt chân lên vùng Thuận Hóa, đã có rất nhiều cư dân vùng Bắc Trung bộ theo dòng họ Nguyễn vào Đàng Trong lập nghiệp. Theo chân họ, Phật giáo cũng lan tỏa trong suốt hành trình mở cõi vào phương Nam. Các chúa Nguyễn, những người sùng đạo Phật, là những người Việt đi tiên phong trong công cuộc mở rộng sức lan tỏa và hộ trì nhiệt tình cho Phật pháp du nhập và phát triển ở Đàng Trong. Phật giáo dưới thời Nguyễn phát triển mạnh, chùa chiền càng ngày càng nhiều…
Nghiên cứu về Phật giáo trên đất Huế, một số nhà nghiên cứu có chung nhận định, vùng Huế là nơi còn lưu giữ rất nhiều giá trị về Phật giáo. Đáng chú ý là hệ thống mộc bản Phật giáo, một di sản tư liệu có giá trị không chỉ đối với Phật giáo mà còn là phần không thể tách rời trong dòng chảy văn hóa dân tộc, của Huế qua các thời kỳ lịch sử. Hệ thống văn bia Phật giáo Huế, nghệ thuật trang trí bia chùa Huế đặc sắc hơn so với bia ở nhiều địa phương khác. Âm nhạc Phật giáo là một bộ phận quan trọng trong tổng thể các giá trị âm nhạc truyền thống của Việt Nam...
Hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Trưởng ban điều hành Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán nhấn mạnh, Huế được mệnh danh là xứ Thiền kinh, là một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng của đất nước. Trải qua dặm dài lịch sử, Phật giáo không chỉ trở thành nền tảng tinh thần của cư dân xứ Huế mà còn được xem là một trong những thành tố quan trọng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Huế.
Tin, ảnh: Minh Hiền