Chào bạn! Stress là vấn đề thường gặp và ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Hiểu và xác định bạn đang stress, hay đang bị stress ở mức độ nào, cách stress tác động đến bạn ra sao sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể sức khỏe về thể chất cũng như sức khỏe tinh thần của bạn.

Định nghĩa
Stress được ví như là chất muối thi vị của cuộc đời, thiếu nó thì không còn gì là cuộc sống. Nhưng cái hại của chất muối là nhiều khi ta sử dụng nó quá độ.
Nguyên nhân gây stress
Stress sống còn hay stress tức thì (survival stress): Đây là phản ứng thông thường của tất cả mọi người hoặc động vật trước nguy hiểm. Khi bạn sợ một người hoặc một vật nào đó làm tổn thương cơ thể bạn, cơ thể bạn có đáp ứng tự nhiên là tăng năng lượng để vượt qua hoặc tránh xa tình huống nguy hiểm đó.
Stress nội tại: bạn có bao giờ lo lắng về một việc gì đó mà bạn không thể làm gì được hoặc lo lắng một cách không có lí do rõ ràng, điều này gọi là stress nội tại, đây là stress cần được hiểu kỹ và kiểm soát nó.
Stress môi trường: Đây là câu trả lời cho mọi vật xung quanh khiến bạn bị stress như: tiếng ồn, sự đông đúc, những áp lực từ phía gia đình hoặc công việc. Nhận diện được những điều này giúp bạn có hướng giải quyết và làm giảm stress.
Mệt mỏi và quá tải công việc: dạng stress này được hình thành từ một quá trình lâu dài. Nó có thể được tạo ra do lượng công việc quá nhiều hoặc quá khó ở môi trường công ty, trường học hoặc ngay tại nhà. Đây là dạng stress khó giải quyết nhất vì nhiều người thấy mất kiểm soát.
Lợi - Hại của stress
Stress không phải luôn luôn xấu. Với liều lượng vừa phải, nó giúp ta có sự hưng phấn, cảnh giác để đối phó lại những tình huống không thuận lợi. Chúng ta luôn sống trong môi trường có những tác nhân xâm phạm, đặc biệt là về mặt tinh thần, tâm lý; và stress giúp ta có phản ứng cần thiết để đối đầu với chúng.
Tuy nhiên, nếu stress cứ lặp đi lặp lại và con người không làm chủ được nó, không thích ứng với những biến đổi do nó đưa đến, cơ thể sẽ bị rối loạn cả về thể chất lẫn tâm thần. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh khi bị stress, cơ thể có những biến đổi và điều này là nguy cơ gây bệnh. Khi đó, các hooc-mon như: glucocorticoid và adrenalin ở tuyến thượng thận bị tăng tiết làm cho mạch máu co lại, giữ natri và nước lại trong cơ thể, khiến bệnh nhân ít bài tiết nước tiểu, dẫn đến tăng huyết áp. Vì vậy, người bị stress thường xuyên dễ bị tăng huyết áp.
Khi nồng độ glucocorticoid và adrenalin trong máu cao do stress, số bạch cầu trong máu xuống. Do đó, người bị stress thường xuyên dễ có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng. Stress cũng làm tăng tiết các hooc-mon ở hệ thần kinh như hooc-mon tăng trưởng, prolactin, endorphin (còn gọi là morphin nội sinh, được xem là ‘ma túy’ do chính cơ thể tiết ra). Chúng cũng làm giảm sức đề kháng của cơ thể.
Khi bị stress, cơ thể ít giải phóng insulin, hoặc insulin tiết ra đủ nhưng hoạt động không hiệu quả, gây tăng đường máu. Stress cũng gây rối loạn chuyển hóa chất béo, làm tăng lượng triglycerid và cholesterol ‘xấu’, dẫn đến đóng cặn mỡ trong thành động mạch. Người bị stress thường xuyên dễ bị các bệnh tim mạch, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ do cao mỡ trong máu.
Ngoài ra, stress cũng thường xuyên đưa đến các rối loạn tâm thần như: mất ngủ, suy nhược tâm thần, trầm cảm,... Người bị stress thường ăn uống kém, hoạt động thể chất kém và dễ tìm đến rượu, thuốc gây nghiện.
Ts.Bs. Nguyễn Đức Hoàng