Tác phẩm “Truyền thông chia sẻ” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Khắc Thanh
Cổ vũ tinh thần chống dịch
“Màu áo em tinh khôi trắng mây trời/Màu áo anh xanh núi rừng thôn bản/Màu Tổ quốc cháy trong tim sáng ngời/Vào tuyến đầu không bom đạn giông bão… Ta khát vọng tiếp nguồn cho sự sống/Đứng bên nhau chống đại dịch siêu vi…”. Tay bấm phím đàn, nhạc sĩ Đoàn Phương Hải cất lên lời ca khúc “Màu áo thiên thần” ông vừa phổ thơ của tác giả Hồi Mạnh Phong để ngợi ca đội ngũ y, bác sĩ luôn thầm lặng quên mình, tận tụy vì người bệnh. Giai điệu mượt mà, khi sâu lắng, lúc hùng hồn thể hiện nỗi khát khao cháy bỏng của những con người ở tuyến đầu chống dịch, để em thơ sớm được đến trường, nhà máy tiếp tục sản xuất...
Cuộc chiến chống đại dịch là một đề tài mới, nóng được nhạc sĩ Đoàn Phương Hải quan tâm. Năm ngoái, ông sáng tác 3 ca khúc: “Ngọn lửa niềm tin”, “Chúng em mong được đến trường” và “Vòng tay quê hương”. Tiếp nối mạch nguồn ấy, năm nay, ông tiếp tục cho ra đời những ca khúc lay động lòng người: “Tuyến đầu đã có anh”, “Màu áo thiên thần” và “Tuyến đầu vững niềm tin” (phỏng thơ Hồi Mạnh Phong).
Nhạc sĩ Đoàn Phương Hải chia sẻ: “Hiện thực cuộc sống luôn mang đến cho người nghệ sĩ cảm xúc để sáng tác. Với tôi, sự khốc liệt của đại dịch, những tháng ngày đồng bào cả nước gồng mình chống dịch, nhất là lực lượng ở tuyến đầu mang lại cho tôi sự xúc động nhiều nhất. Tôi muốn dùng lời ca tiếng hát chia sẻ, ngợi ca tinh thần hy sinh thầm lặng của lực lượng chiến sĩ công an, quân đội và y bác sĩ ở tâm dịch”.
Giữa cuộc chiến chống dịch nóng bỏng, nhà văn Trang Thùy tình nguyện tham gia đội ngũ hậu cần trong khu cách ly. Những trải nghiệm sống động này giúp chị viết nên các tùy bút: “Trước giờ tạm biệt”, “Trải nghiệm từ khu cách ly Trường Bia”, “Hướng về Sài Gòn tấm lòng Huế yêu thương” và “Nhật ký những ngày cách ly”. Đó là những trang viết đậm tính hiện thực và nhân văn về tinh thần sẻ chia của người dân Huế hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt; những ghi chép về hậu phương Huế giữa những ngày dịch giã; là sự vất vả, thậm chí nguy hiểm của lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách ly và sự chịu thương, chịu khó của các mẹ, các chị ở các khu bếp thiện nguyện… Tất cả đều đồng lòng góp sức mình vào cuộc chiến chống dịch.
“Trong tình hình dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, bản thân tôi là một nhà văn, tự thấy mình phải có trách nhiệm với thời cuộc. Tôi muốn bằng ngòi bút của mình được chia sẻ, đồng cảm với nỗi đau, mất mát của những người không may gặp nạn trong cơn đại dịch. Tôi muốn đồng hành với những người thiện nguyện đang ngày ngày chung sức cùng với chính quyền góp phần vào công cuộc đẩy lùi COVID-19”, nữ nhà văn bộc bạch.
Tấm lòng nghệ sĩ
Chung cảm xúc của người dân Việt Nam hướng về cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, trong suốt năm qua, văn nghệ sĩ cũng “xông pha” trong cuộc chiến này, thâm nhập thực tế, thu thập tư liệu, hình ảnh, nuôi dưỡng cảm xúc bắt đầu chuỗi ngày sáng tác. Nhiều ca khúc, tác phẩm thơ văn, hội họa, nhiếp ảnh ra đời hướng về những y, bác sĩ tuyến đầu, những người ngày đêm chống dịch và nỗi đau của người dân trước đại dịch… chạm đến trái tim của người đọc.
Mong muốn văn học nghệ thuật cổ vũ tinh thần chống dịch, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật phát động và tổ chức trại sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 để tạo chất men, hăng say sáng tạo cũng như điều kiện cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế, tìm hiểu, sáng tác về đề tài này. Với sự tham gia của 17 văn nghệ sĩ, 186 tác phẩm đã ra đời; trong đó có 18 ca khúc, 52 tác phẩm văn học và 116 bức ảnh, cho thấy sức sáng tạo, cảm xúc dồi dào của văn nghệ sĩ trước thời cuộc.
Các tác phẩm âm nhạc với sức mạnh lan tỏa của ca từ và giai điệu, luôn sát cánh đồng hành cùng chính quyền và người dân trong mỗi chặng đường chống dịch. Những lời nguyện cầu, sự đồng cảm thương yêu, ước mơ giản dị về sự bình yên tạo nguồn động viên mạnh mẽ trong cuộc chiến cam go này. Nhạc sĩ Phan Văn Thành chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành 10 ca khúc chất lượng và có giá trị nghệ thuật, mang đến tình yêu, là hậu phương, lời ru, đất mẹ và sự động viên tinh thần “Gắng đợi ngày mai”… rạng rỡ sẽ rất gần.
Nhiều bài thơ, ghi chép, tùy bút, truyện ngắn kịp thời chia sẻ, động viên y, bác sĩ, các lực lượng tình nguyện và Nhân dân trên mặt trận chống dịch. Dòng cảm hứng sáng tạo được viết nên bằng trách nhiệm và rung cảm trước hiện thực đời sống vừa tuyên truyền hiệu quả, vừa đem đến món ăn tinh thần ý nghĩa. Viết trong nguồn cảm hứng bi thương, nhà thơ Triệu Nguyên Phong không giấu được lòng mình cùng nỗi lo toan, trăn trở: “Đi đâu khắc khoải nỗi niềm/Mùa thương thức trắng đêm lên dấu ngày”. Nhà thơ Lưu Ly trong bài viết: “Mệnh lệnh từ những trái tim” thể hiện tinh thần khối đại đoàn kết dân tộc và khẳng định: “Tôi tin, chân lý ấy sẽ hiệu triệu những trái tim của người trong một nước - phải thương nhau cùng”.
Xông xáo vừa sáng tác, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, các nghệ sĩ nhiếp ảnh: Trương Vững, Nguyễn Đăng Hạnh, Hoàng Văn Phước, Lê Khắc Thanh, Nguyễn Trung Thành sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật, bám sát hiện thực đời sống những ngày dịch, như: hoạt động của đội ngũ hậu cần khu cách ly, tinh thần hỗ trợ, tình nguyện của chiến sĩ công an, quân đội, người dân; các hoạt động của nhân viên y tế; khung cảnh sinh hoạt của người dân những ngày đại dịch hoành hành…
Nhà văn Lê Vũ Trường Giang, Chánh văn phòng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật nói rằng, đề tài sáng tác về dịch COVID-19 luôn thu hút sự quan tâm của các văn nghệ sĩ. Nhiều tác phẩm ra đời thể hiện nỗ lực không ngừng sáng tạo, là nguồn động viên tinh thần, cổ vũ lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, chia sẻ với đồng bào những gian khó trong đời sống, lao động, sản xuất...
Văn nghệ sĩ là “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa tư tưởng, vì thế, những sáng tác của văn nghệ sĩ vào thời điểm này sẽ có tác dụng rất lớn cổ vũ tinh thần chống dịch của mọi người.
Minh Hiền