Quang cảnh bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh tại thủ đô London, ngày 16/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong gần hai năm qua, thách thức chính đối với các ngân hàng trung ương là dự đoán tác động tiếp theo của dịch COVID-19 và hạn chế ảnh hưởng của nó đối với việc làm và tăng trưởng kinh tế. Nhưng giờ đây, lạm phát mới là mối nguy lớn nhất đối với ngân hàng trung ương các nước.
Trong vài ngày qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ngân hàng trung ương nhiều nước châu Âu đã hướng đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Các ngân hàng trung ương hiện đang xem việc kiềm chế giá cả là ưu tiên cao hơn so với việc bảo vệ việc làm và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ ảnh hưởng của đại dịch.
Ngân hàng trung ương Vương quốc Anh (BoE) đã trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nâng lãi suất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Trong khi đó, Fed cho biết sẽ giảm dần tiến đến kết thúc chương trình mua trái phiếu và báo hiệu ba đợt nâng lãi suất trong năm sau. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang cắt giảm các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho nền kinh tế.
Đằng sau sự chuyển biến này là nhận định rằng dù COVID-19 sẽ không biến mất, nhưng các nước phương Tây đang tìm cách sống chung với nó, và tác động kinh tế của mỗi biến thể mới sẽ nhỏ hơn biến thể trước đó.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde mới đây cho biết: “Nhiều người đã tiêm vaccine, và các chiến dịch tiêm mũi tăng cường đang được đẩy mạnh.” Theo bà, “xã hội đang ứng phó với các làn sóng đại dịch và những căng thẳng kèm theo tốt hơn. Điều này đã làm giảm tác động của đại dịch lên nền kinh tế.”
Bên cạnh đó, khi tìm hiểu sâu hơn về lạm phát trong đại dịch, các ngân hàng trung ương đã có quan điểm khác về việc các đợt bùng phát dịch mới sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế.
Vào đầu đại dịch, các ngân hàng trung ương tập trung sự chú ý vào các lệnh phong tỏa, xem đây là một yếu tố kìm hãm nhu cầu tiêu dùng, điều mà chính sách tiền tệ nới lỏng có thể giúp thúc đẩy.
Giờ đây, giới chức ngân hàng còn lo ngại về cái cách mà các biện pháp hạn chế y tế đang kìm hãm nguồn cung và hoạt động vận chuyển hàng hóa, từ đó khiến giá cả tăng lên và tạo ra lý do để nâng lãi suất.
Tại các cuộc họp báo trong tuần trước, nhiều quan chức của các ngân hàng trung ương đã bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng các nguy cơ từ đại dịch COVID-19 đang giảm xuống, trong khi họ đang dần hết sức chịu đựng đối với áp lực lạm phát.
Chủ tịch Fed Jerome Powell mới đây đã bác bỏ đề nghị Fed không nên đẩy nhanh tiến trình cắt giảm chương trình mua tài sản vì mối đe dọa từ biến thể Omicron. Ông Powell thừa nhận có nhiều ẩn số xung quanh biến thể mới này, trong đó điều đáng lưu ý nhất là tác động của nó đối với lạm phát.
Ông chỉ ra rằng biến thể trước đó là Delta đã gây gián đoạn nguồn cung, trong khi nhu cầu tiêu dùng lại mạnh mẽ nhờ chính sách chi tiêu của chính phủ nhằm bảo vệ các hộ gia đình. Đây chính là nguyên nhân khiến lạm phát tăng lên các mức cao nhất trong nhiều năm qua ở các nền kinh tế phương Tây.
Không lâu trước đây, các ngân hàng trung ương vẫn cho rằng tình trạng lạm phát cao sẽ không kéo dài. Giờ đây, giới chức ngân hàng đã không còn giữ lập trường này. Thay vào đó, họ đang đánh cược rằng chính các làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới, hay ít nhất là tác đông kinh tế của chúng, mới là yếu tố mang tính tạm thời.
Theo Vietnam+