Sử dụng bộ xét nghiệm lấy mẫu trong hoạt động phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh minh họa - M.Trúc) 

Có mấy điểm mấu chốt. Đó là các đơn vị đã thực hiện quy trình chỉ định thầu rút gọn, mua với giá được công bố trên cổng công khai giá trang thiết bị y tế (Bộ Y tế). 

Sự thông đồng trong việc mua bán có lẽ xuất phát từ hai điểm mấu chốt trên. Chỉ định thầu rút gọn bị lợi dụng. Cần khẳng định rằng, việc chỉ định thầu trong trường hợp khẩn cấp nói trên là luật pháp cho phép, tức không sai về mặt quy định. Cái sai ở đây chính là khâu quản lý (hoặc không muốn quản lý) của các đơn vị mua.

Trong thời điểm mua bán nói trên, ngoài sự khẩn cấp thì mặt hàng này lúc đó là khan hiếm. Chính vì sự khan hiếm nên giá của một hoặc vài đơn vị chào bán chưa hẳn đã đại diện cho giá thị trường! Các đơn vị mua (ngoài sự câu kết để được chi hoa hồng chúng ta không bàn ở đây) có thể nói là “lúng túng” trong việc xác định giá! Phải chăng, việc chào giá bộ xét nghiệm COVID-19 trên cổng công khai giá trang thiết bị y tế (Bộ Y tế) như là một “chiếc phao” để các đơn vị mua nương theo?

Như ở Thanh Hóa, Sở Y tế tỉnh này nói rằng, cơ sở để trình UBND tỉnh xét duyệt kế hoạch mua là từ việc tham khảo “giá trên website công khai kết quả đấu thầu của Bộ Y tế, văn bản công bố của Bộ Y tế về việc danh sách các sinh phẩm, trang thiết bị y tế”.  Tức là có thể hiểu: “Bộ khuyến nghị sao thì các đơn vị mua làm vậy”. Nhưng Bộ Y tế thì không nghĩ vậy. Đây là ý kiến của Bộ Y tế được dẫn trên một tờ báo: “Giá này công khai để các địa phương, cơ sở y tế tham khảo khi xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm, đấu thầu, sử dụng sản phẩm phục vụ nhu cầu chống dịch mà không phải giá bắt buộc áp dụng. Các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm, đấu thầu đúng theo quy định và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện”.

Chuyện lúng túng trong mua sắm với tình trạng khẩn cấp dịch bệnh như trên là có thật. Chúng ta từng nghe người đứng đầu ngành y tế tỉnh Bắc Giang nói thế này: “Anh em rất sợ (ông nói về chuyện mua thiết bị – người viết), nên chúng tôi động viên nhau là làm cũng chết mà không làm cũng chết, thôi thì cứ làm”. Ông cho biết thêm: “Giao cho y tế tự mua là đưa chúng tôi vào thế rất khó”. Vì không phải lúc nào các quy định của Nhà nước cũng bao phủ được mọi tình huống của thực tế. Có khi thực tế (khách quan) đòi hỏi cấp bách như thế này nhưng quy định thì chưa có.

Thế thì trong những trường hợp như trên chúng ta làm thế nào? Cách tốt nhất trong trường hợp này là công tâm. Muốn công tâm thì có nhiều cách để làm cho mọi người nhận biết, trong đó có cách là phải công khai! Ví dụ như ngành y tế Thanh Hóa, trước khi mua có một văn bản, chẳng hạn công khai việc mua, số lượng mua bao nhiêu để đáp ứng yêu cầu chống dịch, giá cả được mua như thế nào; giá cả được tham khảo trên Wesite của Bộ Y tế ra sao… Có lẽ, làm được như vậy thì câu chuyện đã khác. Về mặt giá, ít nhất là nó giảm được khoảng 20% giá mua – vì không chi hoa hồng (tiền chi hoa hồng cho lãnh đạo CDC Hải Dương cho thấy điều này).

Rồi đây, có lẽ mọi vấn đề sẽ được ngành Công an điều tra làm rõ. Song một câu hỏi mà dư luận quan tâm đó là giá thành thật sự của các bộ xét nghiệm COVID-19 công ty Việt Á là bao nhiêu? Một sản phẩm đưa ra thị trường các doanh nghiệp phải tính đúng, tính đủ chi phí đầu vào, từ nguyên vật liệu sản xuất đến nhân công, quản lý, thuế má, khấu hao… cộng với lợi nhuận kỳ vọng để có giá bán cạnh tranh. Có mức giá hợp lý là phải có thị trường, tức có cạnh tranh. Trong trường hợp mua bán như đã đề cập vắng bóng thị trường (dù có một số đơn vị niêm yết giá). Tính không công khai và thiếu cạnh tranh thị trường chính là “tử huyệt” của các đơn vị mua sắm. Thế thì bài học cần rút ra trong mua sắm công chính là việc khắc phục hai điểm nêu trên.

                                                          Nguyên Lê