Nam Á là khu vực có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai rất lớn. Ảnh minh họa: Congthuong.vn

Các chuyên gia nhận định, thương mại là một phương tiện dẫn dắt tăng trưởng, tạo việc làm và giảm nghèo. Cùng với đó, việc hiểu và giải quyết những yếu tố cản trở sự tham gia nhiều hơn của các nước vào tiến trình thúc đẩy quá trình phát triển là rất quan trọng.

Cụ thể, trong báo cáo Trọng điểm Kinh tế Nam Á mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng trung bình hằng năm của khu vực trong giai đoạn 2020 – 2023 sẽ chạm mốc 3,4%, thấp hơn so với những gì đạt được trong giai đoạn 4 năm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Sự phục hồi của Nam Á sẽ phụ thuộc nhiều vào việc nắm bắt đầy đủ các cơ hội kinh doanh địa phương, khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, mức độ tham gia của các nước nội khối vẫn còn nhiều hạn chế ở khoảng 5% trong tổng kim ngạch thương mại, so với 50% ở Đông Á và 60% ở châu Âu.

Các chuyên gia kinh tế khu vực kỳ vọng rằng, thương mại và đầu tư nội khối sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp động lực cần thiết cho sự phục hồi kinh tế toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ đang phát triển nhanh chóng, nhất là trong bối cảnh tình hình đại dịch diễn biến phức tạp vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đáng chú ý, nhu cầu ngày càng tăng về hàng hóa và dịch vụ trong khu vực đang tạo nên những cơ hội vô cùng có ý nghĩa cho các doanh nghiệp Nam Á muốn mở rộng và đa dạng hóa. Tuy nhiên, kiến thức hạn chế về bối cảnh kinh tế và đầu tư tại thị trường của các nước láng giềng, cùng với mức độ tin cậy song phương thấp đã khiến chi phí tăng, đồng thời cũng hạn chế sự tham gia của các quốc gia trong khu vực.

Các cơ hội và thách thức ở Nam Á đã được nhấn mạnh trong một hội thảo trên web, được diễn ra gần đây do Nhóm Ngân hàng Thế giới phối hợp với Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC). Trong đó, các nhà đầu tư hàng đầu cùng các nhà hoạch định chính sách đã thảo luận về cách thức làm thế nào để các nhà đầu tư nội vùng có thể thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng, cũng như đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của Nam Á.

Đối mặt với vấn đề này, một số giải pháp đã được thảo luận trong bản báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) – Những người tiên phong về đầu tư trong khu vực Nam Á: Thành quả của việc hiểu các nước láng giềng, khám phá tiềm năng đầu tư nội vùng, cũng như bàn về một số hạn chế ít được chú ý trong quá khứ.

Sanjay Kathuria, đồng tác giả của báo cáo cho biết: “Đối với Nam Á, có tiềm năng chưa được hiện thực hóa. Đó là tiềm năng cho thương mại khu vực để tạo ra động lực, vốn thường vắng mặt trong thương mại thế giới. Do đó, cần có sự tiếp thu và năng lượng để khám phá sâu hơn khu vực với động lực mới, bởi các cơ hội đã một lần nữa đến gõ cửa chúng ta”.

Trong một thông tin có liên quan, đầu tư nội vùng vào Nam Á tương đối nhỏ, chỉ 3 tỷ USD vào năm 2017. FDI trong và ngoài khu vực chỉ lần lượt chiếm 0,6% và 2,7% trên tổng FDI toàn cầu.

Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu đáng mừng. Cụ thể, đầu tư từ các quốc gia nhỏ hơn đang tăng lên, bất chấp rằng mức đầu tư từ Ấn Độ, cho đến nay vẫn là nền kinh tế lớn nhất Nam Á, vẫn chiếm ưu thế.

Để mở ra tiềm năng của khu vực, bản báo cáo nhấn mạnh có hai yếu tố cần được thúc đẩy, đó là kết nối tri thức và đầu tư nội vùng.

Trước nhiều giải pháp và ví dụ được đưa ra, các chuyên gia nhận định, có rất nhiều cơ hội trong khu vực nếu mọi người hình thành tư duy cởi mở về những gì họ muốn khám phá. Thế giới ngoài kia là rất tuyệt vời để tìm hiểu sâu hơn. Khu vực hoàn toàn có thể xây dựng nhiều kết nối hơn trong tương lai.

Đan Lê (Lược dịch từ Bangkok Post)