Lắp đặt camera giám sát được nhiều nhà xe chạy tuyến cố quan tâm vì nhiều hữu ích mang lại
Nhiều lần lùi thời hạn
Quy định lắp camera cho xe tải nặng và xe khách từ 9 chỗ trở lên được Chính phủ giữ lập trường trong suốt 3 năm dự thảo. Đầu năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 10 nhằm nâng cao an toàn giao thông, trật tự xã hội, bảo vệ hành khách và hậu kiểm. Đến tháng 6/2021, nhiều doanh nghiệp (DN) kêu “khó” bởi chi phí cao (10-12 triệu đồng/xe) trong bối cảnh dịch bệnh, lại chưa có tiêu chuẩn nên khó chọn và kiến nghị xin lùi thời hạn lắp camera.
Tháo gỡ khó khăn và để DN có lộ trình thực hiện, Chính phủ họp bàn ra Nghị quyết 66/NQ-CP với nội dung cho lùi thời hạn lắp camera đến ngày 31/12/2021. Bên cạnh đó, Bộ KH-CN cũng đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia về camera vào ngày 4/11/2021 để các DN vận tải chủ động lựa chọn. Động thái này khiến giá lắp đặt giảm còn khoảng 3-5 triệu đồng/xe.
Thực tế không phải đến bây giờ mà trước đây không ít DN vận tải cũng chủ động lắp camera giám sát trên xe. Việc này giúp DN giám sát được tài xế, phụ xe và dịch vụ hành khách. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh như hiện nay, nó càng hữu ích. Ngoài ra, hình ảnh do camera lưu lại đã giúp DN giải quyết rất nhiều vụ việc phát sinh trong quá trình hoạt động.
Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện-Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, sau khi có chủ trương lắp camera giám sát theo Nghị định 10 của Thủ tướng Chính phủ, Sở GTVT đã triển khai nhiều văn bản hướng dẫn, cũng như tuyên truyền, đôn đốc các chủ xe, đơn vị KDVT khẩn trương thực hiện theo tiến độ. Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 173 DN vận tải, với gần 1.700 phương tiện thuộc diện phải lắp đặt camera, nhưng đến nay số phương tiện lắp đặt mới đạt 12%.
“Đây là chủ trương của Chính phủ đang thực hiện trên cả nước, chưa có văn bản hay quyết định nào thay thế các quyết định theo Nghị định 10 nên bắt buộc DN, chủ xe phải tuân thủ” - ông Phạm Quang Hồng nói.
Lý do xin chậm
Qua tìm hiểu, việc lắp đặt camera trên ô tô KDVT theo Nghị định 10 tại Thừa Thiên Huế gặp một số khó khăn. Trước hết, thời điểm triển khai đúng vào lúc tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động vận tải gián đoạn. Hơn nữa, do hiện chưa áp dụng thực hiện các biện pháp chế tài, xử phạt vi phạm hành chính nên nhiều nhà xe chưa mặn mà, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện. Mặt khác, thời điểm các đơn vị KDVT ở địa phương gặp nhiều khó khăn, phương tiện hoạt động thấp, doanh thu từ vận chuyển hàng hóa giảm sâu, trong khi đó họ phải gánh chịu nhiều chi phí, như thuê bến, bãi đỗ xe, đóng bảo hiểm xã hội, phí đường bộ... Do đó, DN vận tải phải bỏ thêm một khoản tiền lớn để mua camera gắn trên xe là rất khó khăn trong giai đoạn này.
Ông Trần Sĩ Cuộc, Giám đốc HTX Vận tải ô tô Huế cho rằng, hiện DN có khoảng hơn 100 phương tiện, trong đó hơn 80% thuộc đối tượng phải lắp camera giám sát. Giá 1 bộ camera (đủ chuẩn kết nối đường truyền dữ liệu) trên thị trường hiện vào khoảng 5-7 triệu đồng, nếu nhân lên số đầu xe kinh phí lắp đặt không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh khó khăn “bủa vây” các DN vận tải. Vì lẽ đó, đa phần phương tiện trong đơn vị chưa thực hiện việc lắp đặt camera theo quy định. Để hỗ trợ DN vận tải, Chính phủ có thể tiếp tục lùi thời hạn bắt buộc phải lắp camera giám sát với xe chở khách đến giữa năm 2022, nên bắt buộc những loại phương tiện không bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh, như xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo...
Theo ông Lê Nam, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Tiến Đạt, đơn vị có gần 100 xe thì chỉ có khoảng 40 xe tải vận chuyển hàng hóa hoạt động, còn lại gần như ngừng chạy vì dịch COVID-19. Hiện nhiều nhà xe của đơn vị đang gặp khó về tài chính, nhiều xe phải nằm bãi nên chưa mặn mà lắp camera giám sát, dù thời gian đã cận kề.
“Nút thắt hiện nay là ngành vận tải vẫn chưa phục hồi do dịch phức tạp. Do vậy, sau ngày 31/12/2021 có thể điều chỉnh linh hoạt phương án hỗ trợ như những phương tiện nào đang trực tiếp tham gia hoạt động KDVT trên đường bắt buộc phải lắp camera, còn những phương tiện dù đăng ký xe kinh doanh nhưng vẫn dừng hoạt động thì nên gia hạn thêm” - ông Nam nói.
Nghị định 10 quy định, trước ngày 1/7/2021, ô tô KDVT hành khách từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera. Sau đó Chính phủ gia hạn cho phép từ ngày 1/7 chưa xử lý vi phạm hành chính, nhưng tiến độ thực hiện phải xong trước ngày 31/12/2021.
Bài, ảnh: Minh Văn