Truyền thông về sức khỏe sinh sản và vấn đề tảo hôn cho học sinh vùng cao

Truyền thông thay đổi hành vi

Theo số liệu của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Thừa Thiên Huế, 103 bé trai/107 bé gái là tỷ lệ giới tính bình thường. Nhưng thời điểm năm 2019, tỷ lệ này ở Thừa Thiên Huế là 112,8/100. Tại một diễn đàn truyền thông “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, Chi cục Dân số - KHHGD đã cung cấp cho sinh viên những câu chuyện thú vị, gần gũi và thiết thực liên quan đến sức khỏe sinh sản (SKSS); thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và hệ quả của nó đối với xã hội và chính bản thân người phụ nữ. Thông qua trò chơi trắc nghiệm nhanh về sức khỏe sinh sản và mất cân bằng giới tính khi sinh, sinh viên đã củng cố được nhận thức của bản thân về lĩnh vực này. Đồng thời, được trang bị thêm các kỹ năng bảo vệ SKSS trước ngưỡng cửa vào đời.

Chia sẻ về cảm nhận của mình, nữ sinh Hoàng Vy vui vẻ: “Ban đầu em nghĩ diễn đàn là hoạt động khô khan, không hấp dẫn, nhưng cuối cùng lại toàn là những thông tin dễ hiểu và rất gần gũi. Có những thông tin em nghĩ mình đã đúng, nhưng hóa ra lại chưa đúng và chưa thực sự đầy đủ. Qua hoạt động này, em không chỉ được hiểu đúng hơn về bình đẳng giới, mà còn biết cách để tự bảo vệ cho chính mình”.

Cùng với việc tăng cường truyền thông thay đổi hành vi về dân số/SKSS/KHHGĐ tại cộng đồng, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã thực hiện nhiều chuyên đề về công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho hàng ngàn trẻ vị thành niên và thanh niên là học sinh, sinh viên trên địa bàn. Qua đó, cung cấp và tư vấn cho các nhóm tuổi những thông tin cần thiết về tình bạn, tình yêu và giới tính; chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên; các bệnh nhiễm khuẩn, lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS; các biện pháp tránh mang thai ngoài ý muốn; tình dục an toàn; tuyên truyền các kỹ năng sống…

Vì một Việt Nam bền vững

Thừa Thiên Huế luôn xác định công tác dân số là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển, là một trong những giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước đối với công tác dân số và phát triển trong giai đoạn mới. Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đầu tiên trong nước sớm kiện toàn, tổ chức bộ máy quản lý ngành dân số. Trong đó, có 100% biên chế chuyên trách dân số vào viên chức của các trạm y tế cấp xã; các chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên được đảm bảo đầy đủ. Đây là động lực quan trọng để công tác DS-KHHGĐ, ngành DS-KHHGĐ Thừa Thiên Huế hơn nửa thế kỷ qua đạt được nhiều thành quả đáng kể.

Thời gian qua, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ một địa phương có tỷ suất sinh cao, trên 35%0 (năm 1979) giảm xuống còn 14,2%0 (năm 2021). Những năm từ 1999-2019 và đến năm 2021, các chỉ tiêu về dân số đạt được thành tích cao hơn, đặc biệt mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đều giảm qua các năm. Tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động so với nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc từ 1,8 lần năm 2009 tăng lên 1,98 lần năm 2019 (toàn quốc cao gấp 2,1 lần) và là thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Những nội dung về chất lượng dân số, cơ cấu dân số và phân bổ dân cư ngày càng được quan tâm hơn.

Bên cạnh những thành tựu quan trọng, công tác Dân số -KHHGĐ tỉnh vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và những khó khăn ấy có tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của địa phương. Do thuộc nhóm 33 tỉnh, thành có mức sinh cao, giảm sinh không vững chắc, nên Thừa Thiên Huế phải thực hiện “mục tiêu kép” là vừa giảm sinh, vừa thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. Cơ cấu dân số đang chuyển dịch sang giai đoạn “già hóa dân số”, nhưng việc thích ứng chưa đảm bảo. Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh chỉ mới được bắt đầu thử nghiệm vài loại bệnh cơ bản. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở một số dân tộc ít người đang là những vấn đề phải quan tâm, tác động nhiều hơn.

Theo ông Phan Đăng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ: Kế thừa các bài học kinh nghiệm 60 năm qua, công tác dân số Thừa Thiên Huế tiếp tục phấn đấu triển khai thành công Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là chuyển trọng tâm từ dân số - KHHGĐ sang dân số và phát triển. Đồng thời, tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với công tác dân số, ngành sẽ nâng cao hơn nữa vai trò và năng lực của hệ thống làm công tác dân số; đẩy mạnh truyền thông để cán bộ và Nhân dân hiểu được trọng tâm của chính sách dân số mới và tăng cường cung cấp dịch vụ KHHGĐ, dịch vụ nâng cao chất lượng dân số phù hợp đến tận người dân.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN