Chùa Kim Đài. Ảnh: gdptkimdai

Chuyện rằng, lên ngôi năm 1916, vua Khải Ðịnh đã lo nghĩ việc tạo dựng sinh phần cho mình. Sau khi tham khảo nhiều tấu trình, nhà vua đã chọn triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) cách Huế 10km để xây dựng lăng mộ. Lăng Khải Định lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm tiền án; lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt làm “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”; có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải làm “thủy tụ”, gọi là “minh đường”. Nhà vua đổi tên núi Châu Chữ - vừa là hậu chẩm, vừa là “mặt bằng” của lăng - thành Ứng Sơn và gọi tên lăng theo tên núi là Ứng Lăng.

Tên Châu Chữ hay Châu Ê mang hơi thở của một thời Champa đã không mất đi khi có lăng Khải Định mà vẫn còn đó một làng Châu Chữ (thuộc xã Thủy Bằng) vừa mới được sáp nhập vào  thành phố Huế, có tuổi đời trên 300 năm. Nhớ lần đầu “phát hiện” ra Châu Chữ cách đây mấy mươi năm trước, tôi thảng thốt, cứ ngỡ như mình đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Làng quê này đẹp như một bức tranh thủy mặc và an nhiên, yên ắng quá, nhất là lúc chiều tà thấp thoáng đàng xa nơi có mái nhà nhỏ ẩn hiện giữa vườn cây là những làn khói lam chiều nhẹ bay.

Tôi đã nhiều lần đạp xe gần như suốt cả buổi chiều loanh quanh trên con đường làng Châu Chữ quanh co, thoắt ẩn thoắt hiện kia. Nằm ven theo giữa một bên là triền núi Châu Chữ và bên kia là con khe Châu Ê nổi tiếng, càng đi sâu càng có cảm giác như một kẻ bị lạc bước nhưng không hề muốn quay lại. Thỉnh thoảng, lại bắt gặp những đàn gà túc tắc và chú chó nhỏ thấy khách lạ ngoài đường vẫn sủa toáng lên. Hai bên đường là những ngọn đồi nhấp nhô và ở mỗi ngọn đồi là một hai ngôi nhà, có vườn cây, nương rẫy với bao thứ cây trái gợi nhớ một thời và cả những bờ ruộng nhỏ xinh xắn đủ để chủ nhân tự cung và tự cấp.

Châu Chữ có câu “Xăn quần vén áo cho tròn/ Lấy chồng Châu Chữ (là) lòn cột mây”.  “Lòn” có nghĩa là “đi băng”, thật dễ sợ khi phải “lòn qua” lùm mây đầy gai nhọn!  Xưa kia, Châu Chữ hoang vu, nương rẫy rộng lớn, cây cối um tùm, đường sá lại không được mở mang nên để di chuyển người dân cực chuyện đã phải chọn cách “đi băng” từ đồi này qua đồi khác, thậm chí từ nhà này sang nhà kia. Châu Chữ có đồi núi xen kẽ sông và hồ tạo nên nét khu biệt khác lạ. Châu Chữ cũng có nhiều đền miếu, chùa chiền hay các khu lăng mộ hoàng tộc và cả khu mộ phần của bà Viện sĩ Điềm Phùng Thị. “Đi băng” cũng là cách để ta dễ dàng khám phá những khác biệt kia.

Châu Chữ có chùa Kim Đài, một ngôi chùa cổ do Thiền sư Đại Sum khai sơn vào năm 1748. Nằm cách trung tâm thành phố không xa nhưng Châu Chữ có những rừng cây rậm rạp và đường núi hiểm trở nên được chọn làm căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến. Bom đạn chiến tranh ác liệt, bao gia đình phải tản cư ở nơi xa. Chuyện rằng, riêng có vị sư bị mù của chùa Kim Đài vẫn bám trụ giữ chùa, giữ đất cho đến ngày quê hương giải phóng. Cùng với sự trợ giúp của bà con ở phố, ông phải tự lọ mọ trồng sắn, trồng khoai để ăn và để sống. “Thầy Kim Đài” là câu chuyện đầy đạo vị và là một giai thoại thiền môn xứ Huế.

Cũng đã có nhiều đổi thay khi xuất hiện con đường phía tây Huế đi ngang qua vùng đất Châu Chữ. Thay cho con đường đất bụi bẩn và lầy lội năm nào là những con đường làng bê tông sạch sẽ. Cũng đã có nhiều ngôi nhà đẹp và cả những ngôi chùa mới được cất lên. Thế nhưng, Châu Chữ vẫn giữ được vẻ đẹp ban sơ của một ngôi làng Huế ở vùng đồi phía tây khiến cho ai đó yêu thương và muốn trải nghiệm cuộc sống yên bình một lần lỡ bước lạc vô chốn này đều khát khao được trở lại. Còn nữa, tôi chưa kể ở Châu Chữ vẫn còn đó những chiếc cầu khỉ ghập ghềnh bắc qua những con khe, vào mùa lúc chín văng vẳng tiếng chim kêu thao thiết “cơm còn cho cục” và còn nữa bao điều để trải nghiệm và hoài niệm.

ĐAN DUY