Bìa cuốn sách “Dèng, hoa văn dèng - biểu tượng cuộc sống của người Tà Ôi” - NXB Thuận Hóa, tháng 8/2021
Cuốn sách là một công trình khoa học hết sức bổ ích cho những ai muốn quan tâm tìm hiểu về văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung, người dân tộc Tà Ôi ở vùng cao A Lưới (Thừa Thiên Huế) nói riêng.
Sách dày gần 200 trang, chia làm ba phần. Phần I: “Vài nét về cuộc sống, sinh hoạt của người Tà Ôi” đề cập đến sinh hoạt kinh tế, xã hội, quan hệ dòng tộc, trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, văn nghệ dân gian. Phần II: “Nghề dệt dèng và dèng của người Tà Ôi” bao gồm nguyên liệu và quy trình tạo sợi, quy trình dệt, các loại dèng. Phần III đi sâu vào “Biểu tượng cuộc sống trên hoa văn dèng”. Điều đặc sắc của cuốn sách là tất cả các nội dung đều có ảnh minh họa cụ thể, giải thích đầy đủ về ý nghĩa hoa văn, có những nội dung còn kể thêm những câu chuyện về sự tích, khiến cho người đọc có dịp trải nghiệm rất cụ thể, đa chiều, lý thú khi đọc cuốn sách này.
TS. Kê Sửu dành một nửa số trang sách để giới thiệu “Biểu tượng cuộc sống trên hoa văn dèng” của người Tà Ôi. Theo đó, trên những tấm dèng, người phụ nữ Tà Ôi chỉ cần ba màu, nhiều lắm là năm màu, đã chế tác thành vô số hình ảnh, trong đó nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng. Có thể chia thành 9 nhóm, do khuôn khổ bài báo có hạn, chỉ xin giới thiệu vắn tắt:
Một: biểu tượng cố kết cộng đồng. Tính cố kết cộng đồng rất quan trọng trong ứng xử với xã hội, với thiên nhiên của người Tà Ôi. Họ cùng nhau săn bắt, làm rẫy, chống kẻ thù, chế ngự thiên nhiên, chia sẻ niềm vui nỗi buồn… Các hình ảnh tiêu biểu cho biểu tượng cố kết cộng đồng gồm: “Tramóq pakoóm” (tương hợp - giao hòa), “Karboóq tramóq” (đoàn kết một lòng), “Sitteeng teeng r-al” (liên kết tỏa sáng), “Sitteeng teeng pakhâm” (liên kết bền vững), “Charbing” (cầu nối đơn), “Charbing kloak” (cầu nối đôi), Kanooi abóh oos” (bếp lửa sum vầy). Trong đó “Tramóq pakoóm” là hình ảnh chữ thập đúp bằng cườm, tạo từ 1-3 đường chèn cườm trắng và bằng nền sợi đen; đặt vị trí cân xứng, trên – dưới là hình thoi/con rô bằng cườm trắng.
Hai: biểu tượng tổ tông dòng họ. Có khá nhiều hình ảnh, nhưng tiêu biểu là: “Măt kooi rét” (mắt con kỳ đà) - họ Blup Akôi, “Nníng” (ong mật) - họ Aking, “Piriu” (quả piriu trong rừng) – họ Piriu, Kareang (cây rừng) – họKareang, “Pir adeeng / Pir atâng (lá môn thục) – họ Adeeng, Apăl (cối giã) – họ Apăl. Trong đó, Apăl có hình ảnh 3 lớp đường cườm hình con thoi (con rô). Đường ngoài cùng khoảng 8-10 hạt cườm nối nhau liên tiếp, đường thứ hai ở giữa khoảng 6-8 hạt, đường trong cùng khoảng 4-6 hạt, ở giữa có khoảng trống hình thoi. Tất cả các hình thoi ghép lại thành hình vành trên của cái cối giã.
Ba: biểu tượng dụng cụ, phương tiện lao động. Các hình ảnh tiêu biểu gồm: “Kanooi” (cái ổ), không chỉ là ổ chim, ổ chuột mà còn là chỗ ngủ của trâu bò, dê lợn…; “Apơat (cái tria – cái chọc lổ trỉa hạt), “Apooh tiho” (bẫy sập), “Arum” (cái đơm), “Athúp apơat” (cái thuổng), “Annoók” (cái xúc cá), “Mbeen” (lưới đánh cá), “Karta” (cầu thang), “Tanang sea” (cái quay sợi).
Bốn: biểu tượng sản phẩm lao động. Chủ yếu là chuỗi hình ảnh về sản phẩm từ việc trồng trọt, chăn nuôi: “Tôm a – âm” (cây ngô), “Tôm aro” (cây lúa), “Pir atuang” (hoa đậu đổ), “Akat” (vịt), “Ala aroóp” (lá rau má), “Pir aréng” (lá dâu tằm)…
Năm: biểu tượng chiến đấu. Bao gồm: “Khêl” (cái khiên), “Kos” (cây giáo), “Chiroóng” (chông), “Tarăh” (mũi tên), “Karring” (hàng rào kiên cố)…
Sáu: biểu tượng ẩm thực. Với hệ ẩm thực phong phú ở rừng núi, rất nhiều món ăn đã được đưa vào thành hoa văn trên dèng: “Akoat/adoch” (bánh vấn quấn/bánh sừng); “Chipos ntroi” (ngón chân gà, cựa gà); “Chiris asiu” (vây cá, xương cá); “Chipar prík” (hủ ớt); “Atao” (mía), “rượu Aveat”; “Ala tuvak” (đoác, rượu đoác)… Trong đó, “Chipar prík” được cấu tạo “với 12 khối hình thoi (con rô) kết hợp theo kết cấu đôi và cao dần lên, có cạnh chung, trùng, liền với nhau, các đỉnh trên - dưới cùng chiều. Mỗi một khối hình thoi có 2 hình thoi lồng nhau, có chu vi to, nhỏ khác nhau, theo thứ tự từ nhỏ đến to…
Bảy: biểu tượng lễ hội, sức mạnh cộng đồng. Những hình ảnh của sinh hoạt tín ngưỡng đã lần lượt được chuyển tải thành hoa văn trên tấm dèng của người Tà Ôi. “Ngai sơa yang” (người cúng lễ), “Ngai yayăq” (đàn ông nhảy hội), “Ngai răm” (đàn bà múa hội), “Mmoók” (cột lễ), “Kanoonh koonh” (vai nối vai nam giới), “Abóh oos” (bếp lửa)…
Tám: biểu tượng truyện cổ. Điều rất thú vị là nhiều hoa văn đã kể lại câu chuyện cổ tích của người dân Tà Ôi: “Ngkoang katíng” (cành katíng, truyện cổ Dốc Parsee); “Pir apang/ apơơng” (hoa trinh nữ, truyện cổ tích Apơơng và A –uông); “Kineang trín” (răng nanh thú, Kalang Niêt Ka trong chương 6 của Sử thi Achât); “Kalleat teeng” (vật mài hạt mã não, Traleq taq tralaq păn trong chương 14 của Sử thi Achât)…
Chín: biểu tượng thần linh, siêu nhiên. Các hình ảnh thể hiện các vị thần trên các hoa văn: “Vavak” (bươm bướm – linh hồn tổ tiên), “Aseap” (con dơi – thần hộ vệ trừ tà ma), “Adang” (con nhện - thần hộ vệ trừ bệnh tật), “Chidoang avang” (đuôi chim én – thần mùa xuân), “Piyea/a-ul” (rồng – thần hộ vệ thịnh vượng), “Meenh chachung” (chòm sao Bắc Đẩu – thần hộ vệ dẫn đường hạnh phúc)…
Cuốn sách “Dèng, hoa văn dèng - biểu tượng cuộc sống của người Tà Ôi” của TS. Kê Sửu đã giới thiệu, mô tả khá đầy đủ 9 nhóm biểu tượng với 67 hoa văn, thật sự là cuốn sách bổ ích, đáng tìm đọc.
Bài, ảnh: HỒ THANH NGỌC