Tại diễn đàn, các chuyên gia trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, giao thông xanh đã chia sẻ những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời kiến nghị các giải pháp, những mô hình và định hướng kinh tế tuần hoàn nhằm giảm phát thải, thu gom xử ký rác, giao thông xanh.

Theo nhận định của các chuyên gia, biến đổi khí hậu đang diễn ra theo hướng cực đoan. Những ngành bị tổn thương lớn nhất là nông nghiệp, thủy sản, du lịch...; đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân ở khu vực miền núi và ven biển, nhất là người nghèo, phụ nữ và trẻ em. Biến đổi khí hậu làm thu hẹp diện tích đất canh tác, giảm sản lượng và năng suất cây trồng… ảnh hưởng đến an ninh nước, an ninh lương thực…

Thừa Thiên Huế cần phát triển đô thị xanh áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên, áp dụng các giải pháp xanh trong sản xuất và kinh doanh thông qua các công cụ được số hóa. Chuyển đổi công nghệ và kiểm đếm khí nhà kính và số hóa các thông số trong giao thông, xây dựng, phát triển du lịch xanh không phát thải. Áp dụng công nghệ chuyển đổi hoặc tích trữ cacbon trong các ngành như: chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản... là những giải pháp mà chuyên gia biến đổi khí hậu Nguyễn Ngọc Huy đề xuất để Thừa Thiên Huế phát triển kinh tế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức nhất là trong lứa tuổi học sinh, sinh viên; xây dựng các chính sách thúc đẩy tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng; huy động các nguồn lực cần thiết đầu tư vào giảm thiểu nguồn gây ra biến đổi khí hậu (giảm khí thải nhà kính) và thích ứng (khả năng chống chịu) với biến đổi khí hậu cũng được các chuyên gia đưa ra.

Hoàng Loan