Khách đến vui chơi và tắm biển ở bãi tắm Thuận An

Khắc phục tồn tại

Theo quy hoạch chi tiết phát triển bãi tắm Thuận An - Phú Thuận, giai đoạn 2016-2020, hai bãi tắm này sẽ có không gian vui chơi và tắm biển thoáng mát, rộng rãi sau khi tuyến đường nội thị nối hai bãi tắm hoàn thành, đồng thời di dời các nhà hàng ăn uống ra phía ngoài tuyến đường mới, trả lại mặt bằng để làm nơi vui chơi và tắm biển cho khách. Theo đó, sẽ có 14 nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch được xây mới, 3 khu sinh hoạt cộng đồng dành cho du khách ăn uống tự do với công suất 6.000 người, khu tắm nước ngọt và vệ sinh tập trung đáp ứng nhu cầu vui chơi và tắm biển của khách.
Bãi tắm Thuận An (BTTA) ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) mới giữa tháng 3 nhưng đã tấp nập khách du lịch quốc tế và người dân địa phương. Để đảm bảo an toàn, Ban quản lý (BQL) BTTA đã huy động hơn 30 người tham gia ứng trực 24/24 giờ.       
Phó BQL BTTA- Nguyễn Văn Giàu cho biết: “Với lưu lượng du khách đến vui chơi và tắm biển trong những ngày cao điểm lên đến con số 15 ngàn người/ngày nên công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, cứu hộ cứu nạn, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy (PCCC), kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đã và đang được BQL đốc thúc, khẩn trương thực hiện. Trong đó, UBND thị trấn vừa đầu tư hỗ trợ mỗi nhà hàng 1 bình PCCC và chủ nhà hàng tự đầu tư thêm 1 bình nhằm đảm bảo an toàn về PCCC trong khu vực bãi tắm”.
Một trong những vấn nạn gây đau đầu cho BQL đó là bán hàng rong gây phiền hà du khách và mất vệ sinh. Năm nay, các hàng rong được quy hoạch các điểm bán ở các tuyến đường xuống biển, trả lại mỹ quan và đảm bảo vệ sinh trên bãi tắm. Ngoài ra, vấn đề niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các dịch vụ tắm nước ngọt, ăn uống và giữ xe được BQL kiểm tra và siết chặt với mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho du khách và xây dựng thương hiệu cho BTTA.
Tại bãi tắm Phú Thuận, hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, cổng chào đang được UBND xã khẩn trương lắp đặt và sơn quét với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng. Theo đó, một cuộc họp với các nhà hàng cũng vừa tổ chức nhằm quán triệt tư tưởng và triển khai các kế hoạch chuẩn bị cho mùa du lịch biển. Năm nay, BQL không cho các nhà hàng dựng sạp dưới bãi tắm mà chỉ sử dụng ghế để phục vụ khách nhằm đảm bảo trật tự trị an cũng như an toàn tài sản cho khách.
Một trong những hạng mục chính đang được UBND huyện Phú Vang đầu tư cho mùa du lịch biển năm nay là tuyến đường dài 2km, rộng 8m chạy dọc bờ biển nối BTTA và bãi tắm Phú Thuận với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 8/2015 để đáp ứng nhu cầu lưu thông đi lại của du khách cũng như tạo cảnh quan môi trường thông thoáng cho bãi tắm.
Chờ quy hoạch
Theo kế hoạch, đến hết ngày 30/8/2015 sẽ chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng đối với các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát tại hai bãi tắm Thuận An và Phú Thuận để triển khai quy hoạch phát triển du lịch biển nên hiện chính quyền địa phương cũng như các nhà hàng không thể đầu tư các hạng mục. Sau ngày 30/8, tất cả các nhà hàng và khu dịch vụ sẽ di dời ra phía trước song song với mặt đường Quốc lộ 49B, trả lại mặt bằng làm khu vui chơi và tắm biển cho khách. “Đây là năm thứ 5 tôi kinh doanh dịch vụ ở BTTA, khác với các năm trước, cứ đến mùa hè là tập trung đầu tư, sửa sang hàng quán để phục vụ khách, năm nay do chỉ còn vài tháng nữa là di dời quán nên chỉ đầu tư vài chục triệu đồng sửa chữa các hạng mục nhỏ thôi chứ không dám đầu tư nhiều”, Chủ nhà hàng Hải Dòng - Lê Dòng chia sẻ.
Anh Nguyễn Quang Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, Trưởng BQL bãi tắm Phú Thuận cho rằng: “Do thời điểm triển khai quy hoạch mới đang cận kề nên hiện công tác đầu tư cho bãi tắm bị hạn chế, các công trình nằm trong quy hoạch chưa hoàn thành, những hạng mục cũ không được đầu tư mới. Dù vậy, BQL cố gắng tranh thủ các nguồn vốn để sửa chữa nhỏ một số hạng mục, như điện chiếu sáng, biển chỉ đường, cổng chào và trang bị mới các thiết bị cứu hộ cứu nạn với mong muốn đáp ứng nhu cầu của khách trong mùa du lịch biển năm nay”.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng thì hiện hai bãi tắm này đang thiếu các thiết bị cứu hộ cứu nạn hiện đại để có thể xử lý các tình huống cứu hộ khẩn cấp, đó là canô và các thuyền lớn. “Mặc dù đã nhiều lần xin kinh phí cấp trên để đầu tư trang bị cứu hộ hiện đại song lâu nay vẫn chưa nhận được, trong khi ngân sách địa phương hạn chế nên hiện BQL chỉ sử dụng các phương tiện cứu hộ như ghe nan, phao”, anh Nguyễn Văn Giàu cho biết thêm.
Bài, ảnh: Thanh Hương