Đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến phát triển kinh tế và việc làm, đời sống của người dân. Trong bối cảnh đó, Nhà nước phải lùi cải cách chính sách tiền lương và không tăng lương hưu  năm 2020 và 2021 là sự chia sẻ rất lớn của người hưu trí đối với Nhà nước. Tuy nhiên, đời sống của người đã nghỉ hưu rất khó khăn vì mức lương hưu bình quân cả nước còn thấp, trong khi tiền lương hưu lại bị giảm giá trị do lạm phát khoảng hơn 7%. Một kết quả khảo sát cho thấy, có khoảng 35% người nghỉ hưu đi làm thêm, nhưng phần lớn là những công việc tự làm nên thu nhập không nhiều. Có không ít người về hưu ở nhà trông cháu - công việc không có tiền lương.

Nhiều người về hưu trước năm 1995 có mức lương thấp, không đủ để chi phí cho sinh hoạt trong gia đình. Đơn cử trường hợp của bà Nguyễn Thị Lan là cán bộ phường Phước Vĩnh (TP. Huế) nghỉ hưu năm 1993. Mỗi tháng, bà lĩnh được được gần 2 triệu đồng tiền lương. “Thời gian trước, tôi có mấy phòng trọ cho thuê, cộng với lương hưu nên cũng đủ trang trải. Từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát mạnh, người thuê trọ trả phòng về quê nên gia đình mất nguồn thu đó. Tôi phải rất chắt bóp, chỉ mua những thứ thiết yếu nên khi biết tin Chính phủ đồng ý điều chỉnh lương hưu, chúng tôi mừng lắm vì mỗi tháng được tăng thêm hơn 500.000 đồng”, bà Lan chia sẻ.

Khi Chính phủ có quyết định tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/1/2022 là biện pháp hỗ trợ kịp thời để giảm khó khăn về đời sống cho người về hưu và gia đình họ. Việc tăng lương hưu cho mọi người đã về hưu, nhất là ưu tiên cho người về hưu có mức lương thấp lên thành 2.500.000 đồng/tháng cũng là hợp lý. Nhiều cán bộ hưu trí đã đồng tình với chủ trương này. Ông Nguyễn Văn Nghĩa ở phường Vĩnh Ninh (TP. Huế) phấn khởi, hiện tại mức lương hưu của ông là hơn 4 triệu đồng/tháng. Theo ông, dự định mức tăng lương hưu năm ngoái là khoảng 10%, nhưng nay chính thức là 7,4%, đây vẫn là mức tăng hợp lý, vừa đủ và cần thiết. Nhưng với những người có lương hưu thấp lúc nào cũng mong muốn Nhà nước tính toán để tăng mức hỗ trợ để họ đủ sống.

Một chính sách nhân văn, kịp thời là nhận định của nhiều chuyên gia lao động khi trao đổi về Nghị định số 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Dịch COVID-19 khiến mọi người lao đao, nguy cơ lạm phát nên việc tăng lương hưu và các khoản trợ kịp thời là tạo thêm an sinh thu nhập cho người cao tuổi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có lộ trình tăng đảm bảo hơn cho những trường hợp hưởng mức lương hưu thấp. Thế nên, Chính phủ cần nghiên cứu phương án điều chỉnh lương hưu cho những người có mức lương hưu, trợ cấp dưới mức lương tối thiểu vùng.

Trở lại câu chuyện tăng lương hưu, có ý kiến cho rằng, mức tăng 7,4% chưa tương xứng so với tốc độ trượt giá và phát triển kinh tế mấy năm qua. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, việc tăng lương hưu là sự cố gắng, quan tâm kịp thời của Nhà nước, góp phần cải thiện đời sống của những người về hưu, nhất là những người nghỉ trước năm 1995. Về lâu dài, Nhà nước cần có chiến lược tổng thể để kìm hãm sự lạm phát, để đảm bảo đời sống cho người làm công hưởng lương.

An Nhiên