Điều khiển chế độ phun tưới tự động

Tìm nghề nơi xứ ngàn hoa

Gia đình nghèo khiến tuổi thơ Hào vô cùng gian khó. Quê từ vùng biển (Vinh An, Phú Vang) khăn gói đi kinh tế mới lên huyện Nam Đông. Mới học đến lớp 6, Hào đã “đứt” chữ, phụ giúp gia đình. Mốc thời điểm mà Hào nhớ mãi là khi cơn lũ lịch sử năm 1999 ở Huế vừa đi qua, Hào xem tivi thấy các vườn rau, hoa ở Đà Lạt khiến anh mê mẫn. Thế là hôm sau, Hào xin bố mẹ đủ 50 nghìn đồng về Huế mua đủ chiếc vé xe lên Đà Lạt.

Buổi đầu ở đất khách, ban ngày, Hào đến các vườn rau, hoa phụ việc; tối về xin ngủ tại các trang trại trồng rau, hoa có chủ nói giọng “mô ri, răng rứa”. Có lẽ trời không phụ người chịu khó, cần cù, chỉ qua 3 tháng đầu, Hào trở thành công nhân số 1 với các chủ vườn. Từ đó, công nghệ trồng rau, hoa thủy canh ở  Đà Lạt do các chuyên gia đưa về từ Israel đều được anh “nhòm ngó” và dần thuộc nằm lòng. Không chỉ nắm công nghệ trồng rau sạch, Hào rành thêm nghề sắt, kỹ thuật làm nhà giàn, nhà kính từ các ông thợ do các chủ vườn thuê về.

Năm 2001, Hào lập gia đình với cô bạn cùng quê lên Đà Lạt lập nghiệp. Vợ chồng anh bắt đầu thuê đất lập vườn xây dựng nhà lưới trồng, kinh doanh rau, hoa. Nhưng khi hạch toán kinh tế, mỗi vụ chỉ đếm được tiền lẻ vì chi phí thuê đất ở Đà Lạt “nuốt” gần 60-70%...

Tình cờ trong buổi chiều sương lạnh cuối năm 2007, qua 2 giờ đồng hồ nhập rau ở vựa tại huyện Đức Trọng - cách TP. Đà Lạt 30km, Hào thấy hơn chục xe tải lớn đến lấy rau; trong đó hơn 5 xe có biển số 75 đưa rau về Huế. Một ý nghĩ vụt qua đầu Hào lúc ấy: “Về quê thôi, sẽ có cơ hội đổi đời vì quỹ đất ở Nam Đông còn dồi dào...”.

Đến thương hiệu rau sạch trên quê hương

Vốn liếng dành dụm sau mấy năm làm thuê được gần 5 cây vàng (tương đương khoảng 70 triệu đồng). Số tiền này nếu vẫn bám trụ Đà Lạt để mua đất lập vườn thì chẳng bỏ bèn gì và không làm nên việc lớn. Vợ chồng Hào quyết định dắt nhau về quê vào đầu năm 2008.

Thời điểm này, đất ở vùng núi Nam Đông còn “bao la”, dễ sở hữu vài sào đất chỉ cần trong tay có vài chục triệu đồng. Có ít vốn cộng thêm tinh thông nhạy bén, Hào “liệu cơm gắp mắm” cất lên nhà kính 200m2 và thiết kế cột kèo bằng tre thay vì làm bằng khung sắt - một ý tưởng ở Đà Lạt chưa ai nghĩ đến. Nhà kính dựng lên, cùng bệ chậu, giàn giáo đưa vào trồng xà lách, cải, húng quế... gối vụ theo mùa; rồi hoa ly, đồng tiền, cúc, vạn thọ bán dịp tết. Ngay năm đầu, Hào đã thu được lãi đáng kể. Từ đó lấy lãi nhập vốn đầu tư thêm diện tích nhà kính, dụng cụ, phương tiện máy móc. Tính ra doanh thu, năm thấp nhất mô hình rau, hoa của Hào không dưới 100 triệu đồng, riêng việc trồng hoa bán tết chiếm gần nửa.

Năm 2015, tiếng lành đồn xa, lãnh đạo huyện về thăm “vườn rau” của Hào và đề xuất hỗ trợ thông qua dự án phát triển nông thôn miền núi gần 180 triệu đồng. Nhận được nguồn vốn hỗ trợ, cùng thêm số tiền vay mướn người thân, mô hình nhà kính bằng tre của Hào được thay thế ngay bằng sắt, vững chãi và mua thêm đất mở rộng nhà kính lên 2.500m2. Dù làm nông nghiệp công nghệ cao, nhưng vẫn phải để ý lịch thời vụ vì đã có lần do một phép tính về khí hậu ở Nam Đông so với Đà Lạt bị sai lệch, những giàn rau vụ hè bị “rụi lá”.

Thất bại cũng là kinh nghiệm, học thêm qua sách, báo, mạng, bây giờ nông trại trồng rau, hoa của Hào trở thành điểm hẹn của bà con, cán bộ các địa phương đến tham quan, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm.

Theo chân Hào đi thăm nông trại, chúng tôi choáng ngợp cách làm của anh. Vì không chỉ dụng “công” mà phải dụng “trí”, anh mới sở hữu được nông trại bề thế giá trị gần chục tỷ đồng, có một không hai ở vùng cao Nam Đông như thế này. Ba khu nhà kính với các loại rau phân lối, chia hàng phủ màu xanh đẹp mắt, rồi đến khu trồng hoa ly, cúc, đồng tiền đang chờ khách dịp tết chẳng khác những nhà “farm” ở Israel. Theo cách làm này, khi hoa, rau đã vào giống, theo lịch, sáng, chiều chỉ cần đảo một hai vòng nông trại đo nhiệt độ, chêm phân, hẹn giờ trên dàn tưới đúng theo quy trình trồng rau an toàn, bất chấp thời tiết, dịch COVID-19 như thế nào anh vẫn “kê cao gối”.

Cạnh khu nhà kính trồng rau, hoa là vườn cây ăn quả gồm cam, quýt, ổi rộng hơn 3.000m2 gần 5 năm tuổi đang cho thu hoạch trái vụ. Hỏi anh về đầu ra sản phẩm, Hào khẳng khái: “Hàng ra chừng nào chỉ cần “alo” trước một hôm là có xe đến chở đi các nơi từ Huế vào Đà Nẵng, Quảng Nam. Họ rất tin chất lượng rau sạch, giá cả của mình”.

Len lỏi giữa nông trại đủ hương sắc của rau và hoa, chúng tôi biết từ trong mùi hương dịu ngọt ấy có cả những ngày gian khó mà Hào đã trải qua. Và Hào đang biến giấc mơ thành có thật, nhưng lại khác với những ngày sống ở Đà Lạt “đếm cua trong giỏ”.

Hiện, Hào đang lên kế hoạch nhân rộng trang trại rau, hoa và trái cây để cung cấp thị trường lớn. Hào vững tin với kế hoạch này khi cậu con trai đầu - Trương Minh Kiệt đang học năm 2 Khoa Nông học công nghệ cao - Trường đại học Nông lâm - Đại học Huế phụ trợ, cùng bà con xây dựng vùng rau, quả chuyên canh với thương hiệu “Thanh Hường” tại Nam Đông để đổi thay nơi vùng khó này.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG