Đạt được các mục tiêu phát triển bền vững là cách để các nước hướng đến một tương lai bền vững, thịnh vượng và tốt đẹp hơn trong tương lai. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Vietnam+
Nhiều nghiên cứu cho thấy, đến năm 2030, khu vực sẽ không đạt được bất kỳ mục tiêu nào trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Tận dụng tất cả các mối quan hệ ở tất cả các cấp và giữa các lĩnh vực là điều cần thiết để đạt được các mục tiêu. ASEAN đã lồng ghép các SDG như một trong những trụ cột chính để đạt được mục tiêu xây dựng cộng đồng. Hiến chương của ASEAN quy định, ASEAN đảm bảo phát triển bền vững vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 nhấn mạnh, trọng tâm của khu vực là bảo vệ môi trường ở hiện tại và tương lai, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy công nghệ xanh và phát triển.
Để thực hiện việc cải thiện các chính sách liên quan đến SDG, Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN (ACSS) đã thành lập Nhóm công tác về Chỉ số cho các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2017, nhằm theo dõi tiến độ của các nước thành viên khối ASEAN trong việc đạt được các SDG. Báo cáo đầu tiên công bố vào năm 2020 cho thấy, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học cần được khối quan tâm và đầu tư hơn.
Trung Quốc là một trong những đối tác đối thoại và phát triển quan trọng của ASEAN. Vào tháng 11 năm nay, tại hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 30 năm thiết lập Quan hệ Đối thoại Trung Quốc - ASEAN, Trung Quốc và ASEAN đã nâng cấp mối quan hệ song phương lên thành Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN có mục tiêu vì tăng trưởng chung và vì một cộng đồng có chung tương lai, đưa ra các hướng dẫn và cơ hội để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Vào tháng 10, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua một tuyên bố chung về tăng cường hợp tác phát triển xanh và bền vững, bao gồm nhiều vấn đề khác nhau, từ bảo vệ môi trường đến phục hồi kinh tế - xã hội sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cũng như thu hẹp khoảng cách phát triển. Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và mở rộng quan hệ đối tác hợp tác giữa các chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức nghiên cứu, tổ chức tài chính, khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương để cùng đẩy mạnh hơn nữa phát triển xanh và bền vững trong khu vực.
Trong tương lai, Trung Quốc và ASEAN cần hiện thực hóa các cam kết về tuyên bố chính trị, bằng cách xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể, cũng như thúc đẩy hợp tác dựa trên kết quả.
Về lĩnh vực hợp tác, cần xem xét những vấn đề sau:
Thứ nhất, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là khi Trung Quốc là nhà đầu tư và cũng là đối tác phát triển hàng đầu trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á.
Thứ hai, hỗ trợ lẫn nhau để duy trì và đa dạng hóa các nguồn tăng trưởng là nền tảng để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Sự đa dạng hóa hơn nữa của nền kinh tế sẽ đòi hỏi phải thúc đẩy tinh thần kinh doanh, mở rộng công nghệ và xây dựng các kỹ năng mới để giải quyết nhu cầu của thị trường lao động mới nổi.
Thứ ba, bản địa hóa các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đòi hỏi một cơ chế gắn kết và có khả năng đáp ứng. Để bản địa hóa hiệu quả các mục tiêu SDG này, chúng ta cần đồng thời nâng cao năng lực của các tổ chức nhà nước và tư nhân, đồng thời phát triển quan hệ đối tác sáng tạo giữa các bên liên quan khác nhau.
Thứ tư, điều cốt lõi là phát triển nhu cầu và xu hướng đầu tư của các SDG. Do đó, Trung Quốc và ASEAN nên làm việc cùng nhau về các bước tiếp cận, cũng như chi phí, chiến lược tài chính và lồng ghép các SDG vào các quy trình ngân sách và chính sách tài khóa quốc gia.
Thứ năm, bắt buộc phải xây dựng một chính sách tài chính đổi mới và kết hợp cho các mục tiêu phát triển bền vững. ASEAN và Trung Quốc nên làm việc cùng nhau để mở rộng các nguồn tài chính công cho các SDG. Khu vực tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng các nguồn lực mới về dòng tài chính phù hợp với SDG.
Thứ sáu, Trung Quốc và ASEAN nên hành động cùng nhau để cải thiện chất lượng đầu tư bằng cách thể chế hóa các nguyên tắc ESG (về môi trường, xã hội, quản trị) trong chiến lược doanh nghiệp, cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của thị trường vốn, đồng thời cũng tăng cường năng lực đổi mới để giải quyết vấn đề, đáp ứng nhu cầu về xã hội, môi trường và kinh tế của người dân.
Thứ bảy, điều quan trọng là phải thúc đẩy đầu tư tác động. Vấn đề này đề cập đến các dự án đầu tư tạo ra tác động xã hội và/hoặc môi trường tích cực. Ngoài ra, quan hệ đối tác công tư trong đầu tư tác động cũng cần được tăng cường hơn nữa trong tương lai.
Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)