Truyền thông phòng, chống HIV bằng hình thức sân khấu hóa

Can thiệp giảm tác hại được xác định là một trong những biện pháp quan trọng, là “quả đấm thép” trong dự phòng lây nhiễm HIV. Trong những năm đầu tiên khi triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn do còn có sự khác biệt nhau ngay trong các quan điểm. Việc phát bơm kim tiêm cho người nghiện chích ma túy và cấp phát bao cao su cho phụ nữ bán dâm được coi là hành động “tiếp tay” cho tệ nạn xã hội. Thông qua nhiều hội nghị, hội thảo vận động ủng hộ chương trình can thiệp giảm tác hại được tổ chức đến các cấp chính quyền, cho các chủ cơ sở dịch vụ giải trí, đến nay, nhận thức của lãnh đạo, người dân đã có thay đổi. Các biện pháp can thiệp giảm tác hại đã được pháp luật công nhận, được xã hội đồng thuận và mang lại hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV cho người nghiện chích ma túy và người bán dâm, từ đó làm giảm sự lây nhiễm ra cộng đồng một cách đáng kể.

Được sự hỗ trợ kinh phí của các dự án DFID, WB, Quỹ Toàn cầu trong giai đoạn 2007 - 2014, Thừa Thiên Huế đã mở rộng phạm vi triển khai và nâng cao chất lượng chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, bao gồm chương trình cung cấp bơm kim tiêm sạch, chương trình khuyến khích sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục, khám và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và các mô hình can thiệp dựa vào cộng đồng.

Để tiếp cận với người nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm, hàng năm, các nhóm đồng đẳng viên được thành lập với các nhiệm vụ: tiếp cận truyền thông các đối tượng có hành vi nguy cơ cao, vận động các đối tượng tham gia tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV, cấp phát các vật dụng hỗ trợ như  bơm kim tiêm sạch, bao cao su, chất bôi trơn. Đối với các xã không có đồng đẳng viên, nhiệm vụ này được giao cho các cán bộ chuyên trách tại địa phương, nhờ vậy hoạt động này bao phủ 100% địa bàn, tiếp cận trên 70% đối tượng nguy cơ cao. Hàng triệu bơm kim tiêm và bao cao su được cấp phát cho các đối tượng đích, kiến thức dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS của nhóm này ngày càng nâng cao.

Kết quả điều tra giám sát trong điểm lồng ghép giám sát hành vi hàng năm ở các nhóm đối tượng đích cho thấy: Không có trường hợp nào dùng chung bơm kim tiêm trong lần nghiện chích ma túy gần đây nhất; hơn 95% phụ nữ bán dâm sử dụng bao cao su trong lần quan hệ tình dục; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy từ 4% năm 2011 giảm xuống còn 0%... Đây là những thành công đáng kể của chương trình.

Tuy nhiên, các giải pháp nêu trên không làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV ở những người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Một nghiên cứu gần đây tại Thừa Thiên Huế cho thấy, đặc điểm của nhóm này đa số là sinh viên, học sinh, có nhu cầu tình dục cao, thay đổi bạn tình thường xuyên, không thích dùng bao cao su khi quan hệ tình dục. Do vậy, với cách thức quan hệ tình dục đặc trưng của nhóm này dễ làm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, như: lậu, giang mai, sùi mào gà…

Nhằm hạn chế sự lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, mới đây, Sở Y tế ban hành Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch này mở ra một định hướng mới cho việc dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục, cùng với việc cấp phát bao cao su, chất bôi trơn, PrEP được coi như một biện pháp dự phòng bổ sung trong gói dự phòng kết hợp cho nhóm MSM, nhằm làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm từ đó giảm lây nhiễm cho cộng đồng, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

LÊ HỮU SƠN