Tiêu độc ở trại nuôi gia cầm

Nguy cơ cao

Về các vùng nông thôn trong những ngày này, tình trạng chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, thả rông diễn ra khá phổ biến. Hầu hết các hộ đều không tuân thủ các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh. Phương thức chăn nuôi thả rông quy mô gia trại vài chục đến hàng trăm con ven những cánh đồng, kênh mương thủy lợi không người chăn giữ, khiến nhiều đàn chim di trú dễ dàng tìm kiếm thức ăn chung với những đàn vịt nuôi nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Trong khi đó, phần lớn các hộ đều không chấp hành việc tiêm vắc xin định kỳ theo quy định của ngành thú y. Nhiều người dân chủ quan, nghĩ rằng nuôi nhỏ lẻ vài chục con thì cần gì tiêm vắc xin, hay gia cầm nuôi tại nhà sẽ không xảy ra dịch bệnh...

Từ đầu năm đến nay, DCGC đã xảy ra tại một số tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Trị giáp ranh với Thừa Thiên Huế nên nguy cơ lây lan rất cao. Các địa phương dọc tuyến Quốc lộ 1A, hay các ổ dịch cũ được xác định có nhiều nguy cơ lây lan dịch. Ông Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tể, Chi cục Thú y tỉnh cho biết, những ngày sau tết đến nay, số phương tiện vận chuyển gia cầm đi qua địa bàn tỉnh rất lớn, trong đó có một lượng gia cầm đưa vào địa bàn tỉnh tiêu thụ. Trong khi đó, tình trạng vận chuyển gia cầm lậu trên tuyến Quốc lộ 1A vẫn còn tái diễn. Lợi dụng đêm khuya, nhiều xe chở gia cầm vượt qua các chốt kiểm dịch, ngang nhiên lưu thông. Các lực lượng chức năng đã ngăn chặn, xử lý nhiều trường hợp vi phạm nhưng vẫn chưa triệt để.

Tiêu độc lối ra vào khu vực buôn bán gia cầm sống ở chợ

Trong khi vi rút cúm gia cầm đang tiềm ẩn mọi lúc, mọi nơi và có nguy cơ tái phát bất cứ lúc nào, thì tình trạng kinh doanh, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra khá phổ biến tại các chợ. Nhiều lái buôn vẫn không ngần ngại kinh doanh gia cầm trái phép ngay trên lối ra vào các chợ. Hầu hết các sọt gia cầm từ vài con đến vài chục con đều không có thủ tục kiểm dịch của cơ quan chức năng. Điều đáng quan tâm là cả người sử dụng thực phẩm gia cầm vẫn chưa ý thức trong việc nhận diện, phân biệt giữa gia cầm an toàn và không an toàn. Họ vẫn vô tư mua những con gia cầm sống không có thủ tục kiểm dịch, hay gia cầm đã giết mổ không có dấu kiểm dịch. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có nguy cơ tái phát DCGC...

Cần xử lý triệt để

Ông Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ, thuộc Chi cục Thú y tỉnh chia sẻ, mặc dù ngành thú y phối hợp với các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, nhưng đến nay mô hình gia trại, trang trại trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Ngành thú y đang tập trung tăng cường vận động người dân chuyển đổi mô hình chăn nuôi phù hợp, đồng thời chú trọng các biện pháp phòng chống DCGC. Ngay từ đầu năm, các lực lượng thú y phối hợp với các địa phương rà soát và tổ chức tiêm vắc xin cho gia cầm. Tuy nhiên qua kiểm tra, tiến độ tiêm vắc xin trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm so với kế hoạch. Đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm mới đạt khoảng 60%, một số huyện, như Nam Đông, Phú Vang và TX Hương Thủy chỉ đạt khoảng 50%... Chi cục Thú y tỉnh đang tiến hành kiểm tra, rà soát và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, phấn đấu đạt trên 90% trong diện tiêm.

Các lực lượng thú y từ tỉnh đến cơ sở đang tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm trong kinh doanh gia cầm. Việc kiểm tra được triển khai thường xuyên nhằm ngăn chặn một cách triệt để, không tái diễn. Quá trình kiểm tra, các lực lượng kết hợp tiêu độc khử trùng tại các chợ, trang trại, gia trại chăn nuôi, tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm các quy định về thú y. Khuyến cáo của ngành thú y, các tư thương cần đưa gia cầm đến các lò giết mổ tập trung để được kiểm dịch, đóng dấu an toàn. Người dân cần phân biệt gia cầm an toàn, không an toàn và không nên sử dụng sản phẩm không có dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng. Khi phát hiện các quầy hàng kinh doanh gia cầm trái phép phải báo ngay cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương xử lý kịp thời...

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho hay, trước tình trạng vận chuyển gia cầm đi qua địa bàn tỉnh khá lớn, ngành thú y phối hợp với quản lý thị trường, công an giao thông tăng cường công tác chốt chặn tại các chốt kiểm dịch. Tại các chốt đều có từ 3-5 cán bộ thú y và các lực lượng túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Hầu hết các phương tiện vận chuyển trước khi đi qua chốt đều ngăn chặn để tiêu độc khử trùng. Các lực lượng thường xuyên kiểm tra trên Quốc lộ 1A và một số tuyến “xung yếu” để ngăn chặn và xử lý kịp thời các phương tiện vận chuyển gia cầm lậu, không an toàn. Thời gian qua, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và xử lý một số vụ vi phạm trong vận chuyển gia cầm trái phép... Ông Nguyễn Văn Hưng nói: “Dù dịch chưa tái phát, nhưng thời điểm này, ngành thú y vẫn triển khai các biện pháp phòng chống nhằm ngăn chặn triệt để nguy cơ tái phát DCGC”.

Bài, ảnh: Hoàng Triều