Không đủ nhiều để cảm nhận về một vùng đất trong quãng thời gian ít ỏi ghé lại, nhưng những giàn nho lúp xúp, những vườn thanh long đeo trái, đôi ba người phụ nữ đang chuẩn bị ủ rượu nho trong ngôi nhà ven đường có lẽ là “cửa ngỏ” trong những định hình đầu tiên về Ninh Thuận. Và con đường mới, có vẻ dài hút dẫn về nơi chúng tôi trú ngụ cũng mang đến một thông điệp về sự mới mẻ ở vùng đất này.

Không nhiều và cũng chưa đông, vài ba resort ở Phan Rang vì vậy có vẻ lặng lẽ và khiêm nhường bên biển với những cái tên nghe rất gợi: Con gà vàng, Đen giòn...Ở Ngẫu Nhiên, vài người trong đoàn chọn kem thay cho cafe. Trong đêm, nghe mưa rất thì thầm. Thêm vài trường khúc nhạc Trịnh hay của Thụy, đêm Phan Rang hôm ấy sẽ Huế ngay cho mà xem.
 

 
Làm gốm ở làng Chăm
 
Bị thôi thúc bởi lũ gốm Chăm từng được nhìn thấy ở phiên chợ làng nghề Huế năm ngoái, bị thôi thúc bởi những trang thơ của Inrasara – một thi sĩ người Chăm và bởi những trang sách về những trảng cát nghiêng – dẫu không như Bình Thuận và vẫn còn nhớ lời kể u uẩn của má về những tháp Chăm ngày còn bé dại, sáng ấy, tôi và các đồng nghiệp hào hứng khi anh Miên, nghệ sĩ nhiếp ảnh của báo Ninh Thuận làm guide dẫn lên tháp Chăm Pôklông Garai. Ngày vắng khách, dãy nhà trưng bày và triển lãm dưới chân tháp dài mênh mông với tiếng lao xao của dãy chuông gió. Đường lên tháp không khó khi người ta đã xây những bậc tam cấp rộng nhưng lối đi cũng đủ làm đổ mồ hôi những người thiếu rèn luyện. Nhìn từ dấu tích và những gì đã còn lại qua tuổi tác tháng năm, có thể nhận thấy đây là ngôi đền tháp lưu giữ khá tốt và được dày công chăm chút.
 
Ở vị trí cao nhất ở trên đồi Trầu, Pôklông là ngôi đền tháp gồm ba tổ hợp là tháp cổng, tháp lửa và tháp chính. Mùi khói nhang đặc quánh trong ngôi đền chính thờ vua Pôklông Garai. Không còn vẻ huyền bí như xưa. Cũng không u ẩn như ký ức mường tượng, ngôi tháp này có lẽ đã được sự chiêm ngưỡng thường xuyên mang lại sinh khí. Tôi gặp ở đây những họa tiết mà mình đã trông thấy trong những chuyến đi thực tế cùng các chuyên gia khảo cổ học tại một số đền tháp ở Huế như lá trầu, hình nữ thần Shinva, hình lá bồ đề và cách kết dính cho đến nay vẫn mang nhiều bí ẩn nơi vật liệu kiến trúc đền tháp...Chỉ một điều thật khác, là ngôi tháp hiện diện khá vẹn nguyên như chưa hề bao giờ là phế tích. Trên đỉnh đồi cao đầy gió, có thể nhìn thấy một phần thành phố Phan Rang trong lễnh lãng nắng.
 

Tháp Chăm Pôklông Garai
 
Khu phố của người Chăm hôm chúng tôi đến có phần lặng lẽ. Gần như không có điều gì khác trong kiến trúc dân sự, chỉ là những đôi mắt tròn đen láy, nước da nâu của các cô bé, cậu bé và trang phục của những người phụ nữ mang đến sự khác biệt. Phía sau quầy hàng, những người đàn bà ngẩng lên chào khách và vẫn luôn tay nặn gốm. Vẻ ửng hồng trên gò má và những bước xoay tròn của cô gái trẻ khi tạo dáng cho chiếc bình bé nhỏ nơi góc nhà - nhịp sống quen thuộc của người làng Chăm.
 
Tôi nhặt lên hai con heo đất để mang về làm quà cho con gái. Món gốm này đúng là sự ngộ nghĩnh dễ thương rất Champa...
 
Điều làm tôi thích thú, vẫn là buổi chiều nghịch nước trên bờ biển Ninh Chữ. Sóng nhẹ và êm. Nước biển không xanh như ở Thuận An, Lăng Cô, Cảnh Dương...nhưng con sóng rất hiền. Cảm giác thú vị đến nỗi, khi online bên biển để chờ mọi người tiếp tục nghịch sóng, lúc chị Ngọc Anh gọi tôi bằng dòng chữ hiện lên trên màn hình: em dang ơ dâu vây? Tôi hồi đáp hình như đã bằng liên hồi những dòng chữ: Em đang online bên biển. Ninh Chữ đẹp lắm và Phan Rang ngày không nắng...
 
Hạnh Nhi