Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân ở TP. Huế. Ảnh: Th. Anh 

Nói không sợ là không chính xác! Nhưng cách mà người ta sợ lại đi ngược với việc phòng tránh vi rút SARS-CoV-2.

Bắt đầu từ tháng 11/2021, Chính phủ đã có nghị quyết “Thích ứng trong điều kiện bình thường mới” với quy định mở. “Thích ứng” không có nghĩa là thích hợp, an toàn mà là thay đổi thói quen, sinh hoạt, làm ăn, phòng dịch bệnh, thích nghi với hoàn cảnh mới. Thông điệp “5K+ vắc xin”, những nỗ lực của Chính phủ đang từng bước đảm bảo vừa chống dịch, vừa sản xuất. Với nỗ lực ngoại giao, kinh phí từ ngân sách, đóng góp từ các nguồn, nhà nước đã huy động đủ vắc xin cho chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất. Đến nay, 99% người dân được tiêm mũi 1; 90% tiêm mũi 2; 3 triệu liều mũi bổ sung, tăng cường và tiêm cho trẻ em 12 tuổi trở lên.

Hai năm tròn trải qua đại dịch, chúng ta đã chứng kiến sự tàn khốc của dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu. Chỉ riêng chủng Delta gây nên làn sóng dịch thứ 4 lấy đi sinh mạng của gần 2 triệu người trên thế giới. Hiện, biến chủng mới Omicron đang lây lan mạnh. Cộng đồng châu Âu phát đi cảnh báo số ca lây nhiễm chủng Omicron, với gần 120 ngàn người ở Anh, 190 ngàn người Mỹ, 104 ngàn người Pháp chỉ 1 ngày, cao nhất từ trước đến nay. Trước Giáng sinh, Thái Lan, Singapore, Indonesia phát hiện hàng chục trường hợp biến chủng mới Omicron và dự báo còn tiếp tục tăng.

Thời điểm này, số ca nhiễm mỗi ngày ở nước ta vẫn tăng. Con số xấp xỉ 2 triệu người nhiễm bệnh, hàng chục ngàn người nguy cơ tử vong cao, hơn 30 ngàn người tử vong, số F0, số F1, F2 tăng nhanh rất đáng lo ngại. Cảnh đoàn xe chở thi thể đi thiêu, người thân trở về chỉ là những bình tro cốt, hàng ngàn trẻ em mồ côi cả cha mẹ... ám ảnh nhiều gia đình. Việt Nam đã có ca nhiễm đầu tiên biến chủng Omicron nhập cảnh từ Anh, không thể chủ quan với người lây nhiễm chưa có triệu chứng đang sinh sống ở cộng đồng. Nên nhớ rằng chúng ta phải “ứng xử” thế nào với vi rút ngay cả khi trang bị đầy đủ “vũ khí vắc xin”. COVID-19 có thể “cướp” đi hơi thở chúng ta bất cứ lúc nào nên không thể chủ quan trong phòng chống dịch.

Nhìn lại gần 2 tháng thích ứng cho thấy, người dân đã tuân thủ, chấp hành các biện pháp phòng ngừa của Chính phủ, ngành y tế. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hiện tượng chủ quan, cố tình làm trái hoặc thiếu ý thức phòng tránh cho cộng đồng, bản thân. Những địa phương có người nhiễm cao được khuyến cáo hạn chế ra ngoài, chỉ di chuyển khi mua sắm đồ dùng thiết yếu, đi làm công sở. Thế nhưng, người dân vẫn vô tư ra đường như không có gì xảy ra. Dịp Giáng sinh vừa qua, người dân vẫn tập trung vui chơi, tổ chức ăn uống, đường phố đông nghịt người dù đã có cảnh báo trước. Thời điểm này, Hà Nội đang dẫn đầu về số ca bị nhiễm trong 1 ngày, lý do được cho là tập trung vui chơi quá đông trong lễ Giáng sinh.

Trong đêm tổ chức tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ tử vong vì COVID-19 gần đây, những giọt nước mắt chưa kịp lau khô, thổn thức còn kéo dài, chết chóc, dịch bệnh không thể dự đoán trước và sẽ còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Kỳ nghỉ cuối năm, Tết Nguyên đán đang đến gần, nếu không chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh, chúng ta sẽ gây thêm những hậu quả khó lường cho chính mình và xã hội. Ai cũng muốn yên ấm, ở nhà hơn nằm trên giường bệnh; được đi lại tự do hơn vào khu cách ly; hít thở khí trời hạnh phúc hơn thở qua bình ô xy. Đó là lời khuyến và cảnh báo cần thiết!

                                                                                    Nguyễn An Hòa